Mảnh ghép sáng màu trong bức tranh hoạt động khuyến công
Sau nhiều năm triển khai, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được ví như mảnh ghép sáng màu trong bức tranh hoạt động khuyến công.
Kết quả ấn tượng
Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được các cấp, ngành, địa phương đón nhận, triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về công tác bình chọn trong hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao.
Ở các địa phương, hầu hết Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành chương trình khuyến công giai đoạn trong đó có nội dung về công tác bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hiện, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành kế hoạch, quy chế trước mỗi kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của địa phương.
Tính đến năm 2022, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp đã được hầu hết các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức thực hiện. Thu hút được hơn 6.000 cơ sở CNNT đăng ký tham gia, trong đó, 4.203 cơ sở đăng ký tham gia cấp huyện; 6.702 cơ sở đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh, thành phố. Kết quả, đã công nhận 2.934 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 5.486 sản phẩm cấp tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở đó, các địa phương đã lựa chọn 3.326 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực.
Bộ Công Thương, giai đoạn từ năm 2012 – 2022 đã tổ chức 6 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 4 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Theo đó, đã có 1.632 sản phẩm được công nhận, cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm cấp quốc gia.
Điển hình trong công tác bình chọn ở địa phương
Là một trong số các địa phương được đánh giá cao về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Lâm Đồng đã ghi dấu ấn đáng kể trong suốt 10 năm tổ chức bình chọn: Có 285 sản phẩm được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện; 82 sản phẩm cấp tỉnh. Địa phương cũng lựa chọn được 61 sản phẩm của 56 cơ sở có nhiều triển vọng phát triển tham dự cấp khu vực và cấp quốc gia và có 21 sản phẩm đạt cấp khu vực; 13 sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Tương tự với tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả đạt được sau nhiều năm tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu không được nhấn mạnh ở các con số mà được minh chứng qua chất lượng và sự lan tỏa mạnh mẽ của sản phẩm.
Theo đó, sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư về mẫu mã, công nghệ thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu; xuất hiện nhiều sản phẩm mới; sản phẩm thể hiện khá rõ về tính hàng hóa, thị trường, khả năng ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến, khả năng sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên vật liệu của địa phương, trong đó một số sản phẩm đã đảm bảo thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một số sản phẩm cũng mang được tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa Huế như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản…
Đa dạng hình thức hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu
Trên kết quả bình chọn đã đạt được, Bộ Công Thương cùng các địa phương đa dạng các hình thức hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Trong đó, ở khối địa phương, từ kết quả bình chọn các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu được hưởng nhiều quyền lợi như: Được thưởng bằng tiền mặt, in hoặc dán nhãn logo của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm công nhận; được cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương và Nhà nước; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí khuyến công quốc gia.
Về phía Bộ Công Thương, cùng với hoạt động tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, Bộ Công Thương hỗ trợ khu trưng bày, gian hàng giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở tại triển lãm hội chợ hàng CNNT tiêu biểu; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ giới thiệu về sản xuất, chất lượng sản phẩm trên các kênh truyền thông.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia nhằm mục tiêu triển khai đồng bộ giải pháp, hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu ra thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tại các tỉnh, thành phố với các đơn vị phân phối, bán hàng lớn trên cả nước để xúc tiến, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các hoạt động này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu, đưa sản phẩm vào chuỗi phân phối. Hiện, đã có rất nhiều sản phẩm trong tổng số gần 2.000 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia được các nhà phân phối lớn như: BigC, Hapro, Vinmart, Lotte Mart đưa vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Linh hoạt triển khai công tác bình chọn phù hợp với bối cảnh mới
Có thể nói, sau 10 năm triển khai công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã chứng minh được tính cần thiết và trở thành động lực cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở CNNT nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để tham gia và được chứng minh được uy tín khi tham gia thị trường. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, công tác bình chọn đã được Cục Công Thương địa phương đưa ra những định hướng cụ thể trong giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể về công tác bình chọn, sẽ đổi mới, cải cách phương thức tổ chức hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng liên thông thuận lợi giữa các cấp, gắn với cải cách, đơn giản thủ tục đăng ký tham gia; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số phục vụ công tác bình chọn và quản lý sản phẩm để nâng cao hiệu quả công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, qua đó thu hút nhiều hơn các cơ sở CNNT đăng ký tham gia.
Giai đoạn năm 2022-2025, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện 2 kỳ bình chọn cấp khu vực, dự kiến bình chọn, công nhận được 1.300 sản phẩm cấp khu vực; tổ chức 2 kỳ bình chọn cấp quốc gia, dự kiến bình chọn, công nhận được 700 sản phẩm cấp quốc gia.
Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, ưu tiên phân bổ kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương để xây dựng, thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; ưu tiên hỗ trợ các đề án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhãn mác, bao bì phù hợp với thị trường mục tiêu, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Để những định hướng trên được triển khai có hiệu quả, Cục Công Thương địa phương sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ cơ sở có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại; thực hiện lồng ghép các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia theo các chương trình, đề án: khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu bằng hình thức ưu tiên hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT để phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; nghiên cứu, xây dựng các gói hỗ trợ bao gồm các nội dung hỗ trợ cụ thể gắn với nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của từng cơ sở trong việc phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết đối với công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của địa phương để qua đó có những giải pháp giúp đỡ kịp thời.