Mánh khóe quảng cáo của YouTube trong video cho trẻ em
Nhiều nhãn hàng lợi dụng sự nổi tiếng của những YouTuber nhí để lồng ghép quảng cáo thức ăn nhanh vào các video, có thể gây hại đến thói quen ăn uống của người xem nhỏ tuổi.
Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times về mối nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau những video review đồ chơi, ăn uống dành cho trẻ em trên YouTube.
Ngày 26/10, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nhi khoa ở Mỹ kết luận những trẻ nhỏ thường xuyên xem YouTube có thể là mục tiêu nhắm tới của những quảng cáo trá hình.
Các tác giả của nghiên cứu đã phân tích hơn 400 video trên YouTube của những người được gọi là “trẻ em có ảnh hưởng” (kidfluencers), nhiều follower. Trong các video, chúng hào hứng review đồ chơi, mở gói quà, ăn uống và chơi game.
Nghiên cứu cho thấy rằng các video thuộc thể loại này, thường có hàng triệu người theo dõi nhỏ tuổi, thu về hàng tỷ lượt xem, tràn ngập sự xuất hiện và quảng cáo cho các thương hiệu như McDonald’s, Carl’s Jr., Hershey’s, Chuck E. Cheese và Taco Bell.
Mánh khóe
Khoảng 90% thực phẩm có trong các video YouTube là những món không tốt cho sức khỏe như sữa lắc, khoai tây chiên, nước ngọt và bánh mì kẹp phô mai. Tất cả được in logo hãng đồ ăn nhanh.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này nên được lưu tâm vì YouTube là công cụ giải trí cho nhiều trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Khoảng 80% bậc cha mẹ có con từ 11 tuổi trở xuống nói rằng họ cho con mình xem YouTube và 35% cho biết con họ truy cập nền tảng này thường xuyên.
Người phát ngôn của YouTube cho biết công ty đã “đầu tư đáng kể vào việc tạo ra ứng dụng YouTube Kids - điểm đến dành riêng cho trẻ em để thỏa trí tưởng tượng và sự tò mò của chúng về nhiều chủ đề, chẳng hạn như những thói quen lành mạnh”.
“Chúng tôi không cho phép nội dung quảng cáo trả phí trên YouTube Kids và có nguyên tắc rõ ràng để hạn chế các danh mục như thực phẩm và đồ uống quảng cáo trên ứng dụng này”, người này nói.
Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tiếp thị. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em không thể phân biệt giữa quảng cáo và phim hoạt hình cho đến khi chúng 8 hoặc 9 tuổi. Chúng có nhiều khả năng thích các loại thực phẩm và đồ uống không lành mạnh sau khi xem những nội dung chứa hình ảnh về chúng.
Các chuyên gia cho rằng đó không chỉ là vấn đề quảng cáo mà còn là mối quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng vọt trong những năm gần đây. Ở Mỹ, gần 20% trẻ em trong độ tuổi 2-19 bị béo phì, tăng 5,5% kể từ những năm 70.
Các nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp thị đồ ăn vặt và chứng béo phì ở trẻ em. Thậm chí, nguy cơ này còn cao hơn khi dịch bệnh bùng phát, trẻ em không đến trường, ít vận động ở nhà và sử dụng thường xuyên các thiết bị kết nối Internet.
Vì vậy, các bậc cha mẹ nên đặc biệt cảnh giác với việc trẻ em đang bị các công ty thực phẩm nhắm đến trên mạng xã hội.
“Cách các sản phẩm đính nhãn hiệu này được lồng ghép vào những video một cách khá sáng tạo và khó tin. Đó là một cách lén lút và hiệu quả để đưa những sản phẩm không lành mạnh đến trẻ em”, Marie Bragg, tác giả của nghiên cứu, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận định.
Phó giáo sư Bragg quyết định nghiên cứu hiện tượng này sau khi một đồng nghiệp của cô nhận thấy đám cháu của mình xem say sưa các video trên YouTube của Ryan Kaji - ngôi sao YouTube 9 tuổi có 27 triệu người đăng ký trên kênh Ryan’s World.
Trong hầu hết video, Ryan hào hứng review đồ chơi, thực hiện các thí nghiệm khoa học và tham gia các chuyến đi thú vị đến cửa hàng.
Món lợi khổng lồ cho chủ kênh YouTube
Các kênh dành cho trẻ em như Ryan’s World thường được trả tiền để quảng cáo nhiều loại sản phẩm, bao gồm đồ chơi, trò chơi điện tử và đồ ăn. Đây cũng là một trong những kênh có doanh thu cao nhất trên YouTube, thu về hàng triệu USD từ quảng cáo, nội dung được tài trợ...
Theo Forbes, Ryan đã nhận được 26 triệu USD, trở thành người kiếm tiền nhiều nhất trên YouTube năm 2019. Trong số các thương hiệu mà cậu bé được trả tiền để quảng cáo có Chuck E. Cheese, Walmart, Hasbro, Lunchables và Hardee's và Carl's Jr.
Một trong những video nổi tiếng nhất của YouTuber nhí là khi cậu giả làm nhân viên thu ngân tại McDonald’s. Trong video, Ryan đội một chiếc mũ có logo của McDonald’s, phục vụ Chicken McNuggets, bánh mì kẹp phô mai và khoai tây chiên cho một trong những món đồ chơi của mình. Video này có khoảng 95 triệu lượt xem.
“Mọi thứ trông có vẻ bình thường, nhưng đó là một bối cảnh quảng cáo cho những sản phẩm không lành mạnh mà thôi”, bà Bragg nói.
Sunlight Entertainment, công ty đứng sau Ryan’s World, cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến sức khỏe của người xem. Do đó, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt tất cả điều khoản dịch vụ của nền tảng, cũng như luật và quy định ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương”.
Không chỉ Ryan’s World, nhiều kênh YouTube cho trẻ em cũng có video những đứa trẻ nếm bánh quy Oreo, bánh Tart, kem hay ngồi trong ôtô đồ chơi và gọi đồ ăn nhanh tại McDonald's, Burger King.
“Về cơ bản, đây là một món hời đối với các nhà quảng cáo. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ thích các sản phẩm được dùng, trải nghiệm bởi những người nổi tiếng”, bà Bragg cho hay.
Năm ngoái, một số thượng nghị sĩ đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ điều tra Ryan’s World và cáo buộc kênh này chạy quảng cáo cho Carl’s Jr mà không công khai cho người xem.
Vào tháng 3, các Thượng nghị sĩ Edward J. Markey của bang Massachusetts và Richard Blumenthal của Connecticut cũng triển khai kế hoạch bảo vệ trẻ em khỏi nội dung gây hại trực tuyến.
Dự luật sẽ hạn chế những nội dung được cho là quảng cáo “lôi kéo”, chẳng hạn như tiếp thị nhắm vào trẻ em và cấm các trang web đề xuất nội dung liên quan đến nicotine, thuốc lá hoặc rượu cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
“Những video quảng cáo dạng này gây ảnh hưởng không nhỏ. Các bậc cha mẹ bận rộn có thể nghĩ rằng đó chỉ là một đứa trẻ dễ thương đang nhiệt tình nói về sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, họ không nhận ra đó thường là một phần của chiến lược quảng cáo, khiến con họ hào hứng với đồ chơi, hoặc trong trường hợp của nghiên cứu này, là thực phẩm không lành mạnh”, Josh Golin, giám đốc điều hành một chiến dịch hạn chế tác động của văn hóa thương mại lên trẻ em, cho biết.