Manh mối quan trọng sau hàng loạt biến chủng nCoV mới tại Mỹ
Giới chuyên gia nhận thấy sự xuất hiện của 7 biến chủng nCoV mới gần đây tại Mỹ là cơ sở để giải mã cách virus này tiến hóa.
Cách đây ít ngày, các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện 7 biến chủng virus mới ở quốc gia này đều có chung một đặc điểm đáng ngờ. Đó là chúng đều chứa những đột biến phức tạp, tương tự nhau. Những đột biến này đã được đặt tên theo các loài chim. Giới chuyên gia dần phát hiện những manh mối quan trọng phía sau điểm chung bất thường nói trên.
Đột biến liên quan sự thay đổi độc lực của SARS-CoV-2
Theo CNN, các biến chủng mới phát hiện đều ảnh hưởng đến cùng một đoạn của protein đột biến - phần gai của virus được dùng để gắn vào các tế bào mà nó lây nhiễm. Đoạn gene bị đột biến hoặc thay thế được gọi là 677. Các đột biến giống nhau đến mức nhóm tác giả cho rằng quá trình tiến hóa đã quá ưu ái cho những biến chủng này.
Giám đốc Vaughn Cooper, Trung tâm Sinh học và Y học Tiến hóa, Đại học Y Pittsburgh, thành viên nhóm nghiên cứu, trả lời phỏng vấn của CNN: "Đoạn gene đột biến (677) rất quan trọng vì nó nằm gần khu tập trung độc lực của virus SARS-CoV-2". Ông cũng nhận định những đột biến này tương đối hiếm, xác suất xuất hiện lại không đồng đều.
Khi xem xét dữ liệu và so sánh với thông tin được lưu trữ trên Global Initiative on Sharing All Influenza Data (GISAID), nhóm chuyên gia phát hiện những biến chủng này đã xuất hiện vào tháng 7/2020.
Họ cho biết việc các biến chủng virus mới như vậy lây nhiễm tại Mỹ là điều không ngạc nhiên. Nhưng còn quá sớm để giới nghiên cứu biết chính xác về những biến chủng này cũng như ảnh hưởng của nó tới đại dịch Covid-19 ở Mỹ.
"Những biến thể này không được phát hiện cho đến giữa tháng 8/2020, nhưng tính đến ngày 3/2/2021 đã chiếm hơn 2.327 trong số 102.462 bộ gien được gửi tới GISAID từ Mỹ", nhóm nghiên cứu viết, nhấn mạnh rằng đây là điểm đáng lưu tâm trong quá trình nghiên cứu trình tự gene của SARS-CoV-2.
Nhóm chuyên gia xác định được ít nhất 7 dạng đột biến tương tự biến chủng Q677P, trong đó, đoạn gene 677 bị biến đổi. Họ đặt tên các biến chủng này theo một số loài chim để dễ xác định. Chẳng hạn, biến chủng Robin 1 (chim cổ đỏ) xuất hiện tại hơn 30 bang ở Mỹ, tập trung ở các ca bệnh tại vùng Trung Tây. Biến chủng khác tương tự Robin 1 - có tên là Robin 2 - được ghi nhận ở đông nam nước Mỹ.
Biến chủng Pelican (bồ nông) được phát hiện lần đầu tiên trong các mẫu bệnh phẩm ở Oregon. Sau này, Pelican xuất hiện ở 12 bang khác ở Mỹ, lan sang cả Australia, Đan Mạch, Thụy Điển và Ấn Độ.
Hiện tượng tiến hóa đáng lưu tâm
Trong bài báo mà nhóm chuyên gia đăng tải, họ cho hay bất kể tên của những biến chủng nói trên là gì, có một xu hướng đang phát triển ngấm ngầm trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ. Đó là ngày càng nhiều biến chủng âm thầm sản sinh, đặc biệt ở những nơi có nhiều ca mắc Covid-19 như Mỹ.
"Tất cả virus RNA đều đột biến. Hầu hết đột biến đều vô nghĩa, nhưng một số quan trọng có thể tạo ra những biến chủng đáng lo ngại. Mỹ có số lượng người mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới, vì vậy, chúng tôi lường trước được sự đa dạng của các biến chủng virus mới", tiến sĩ Todd Ellerin, Giám đốc khoa Bệnh truyền nhiễm, South Shore Health, trả lời phỏng vấn của ABC News.
Bên cạnh việc xem các biến chủng này nguy hiểm như thế nào, giới khoa học quan tâm đến manh mối ẩn sau nó. Đó là những gợi ý về nguyên nhân virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa theo một cách nhất định, sản sinh ra những đột biến giống nhau đến khó tin như vậy.
Tiến sĩ Amesh A. Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho rằng: “7 biến chủng này rất quan trọng. Bởi chúng dường như đều phát triển cùng một đột biến cụ thể nhưng lại độc lập. Hiện tượng này gọi là tiến hóa hội tụ".
Tiến hóa hội tụ là sự tiến hóa một cách độc lập của các đặc điểm tương tự ở những loài thuộc thời kỳ hoặc kỷ nguyên khác nhau. Tiến hóa hội tụ tạo ra các cấu trúc tương tự có hình thức hoặc chức năng giống nhau. Tuy nhiên, những cấu trúc này lại nhưng không có mặt trong tổ tiên chung cuối cùng của các nhóm đó.
Ví dụ quá trình tiến hóa hội tụ trong tự nhiên đó là cá voi và dơi đã cùng phát triển độc lập cách sử dụng sóng âm thanh để tìm kiếm vật thể trong không gian, đáp ứng việc săn mồi trong môi trường hạn chế tầm nhìn.
Theo tiến sĩ Adalja, các đột biến tương tự xuất hiện ở những vùng khác nhau tại Mỹ có thể tiềm ẩn nguy cơ chúng mang lại cho virus một số lợi thế. Nó có thể là khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch hay nhiều vấn đề khác mà chúng ta chưa thể nghiên cứu tới.
Nhưng vấn đề cấp thiết và trước mắt mà các chuyên gia cảnh báo sau hàng loạt đột biến giống nhau đó là việc ngăn chặn ca nhiễm virus mới. Tiến sĩ Todd Ellerin cho rằng: "Virus càng nhân rộng, càng khó kiểm soát và ngày càng nhiều biến chủng xuất hiện. Chúng ta phải tiêu diệt nó càng nhanh càng tốt, thông qua các biện pháp phòng dịch như sử dụng khẩu trang, tránh tụ tập..."
Ông cũng đề cao vai trò của vaccine bởi đây là cách tốt nhất để phá vỡ chuỗi lây truyền của virus, ngăn nó có cơ hội biến đổi.
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 719 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.
Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.