Mạnh ngang F-16: Nhật Bản sẽ bán lại F-4Ẹ sau khi loại biên?

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) mới đây đã làm lễ loại biên những chiếc tiêm kích F-4EJ Phantom II cuối cùng của mình.

Hôm 20/11, buổi lễ chia tay tiêm kích McDonnell Douglas F-4 Phantom II đã được tổ chức tại Căn cứ không quân Hyakuri (tỉnh Ibaraki, cách Tokyo 80 km về phía Đông Bắc).

Đây là nơi đóng quân của Phi đội 301 thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF). Những chiếc máy bay huyền thoại này đã “khiến Trung Quốc hồi hộp trong nhiều thập kỷ, cụ thể là gần 50 năm”, tờ EurAsian Times viết.

JASDF từng lên kế hoạch rút F-4 khỏi biên chế vào năm 2021, tuy nhiên họ đã quyết định đẩy nhanh quá trình này sau khi dự đoán sẽ nhận được lô máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II tiếp theo.

Nhật Bản đã loại biên F-4 Phantom II để mở đường tiếp nhận F-35 Lightning II.

Nhật Bản đã loại biên F-4 Phantom II để mở đường tiếp nhận F-35 Lightning II.

Được biết trong giai đoạn 1968 - 1981, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã mua tổng cộng 140 chiếc F-4E và F-4EJ (đây là phiên bản sản xuất theo giấy phép dựa trên nguyên mẫu F-4E Phantom II của Mỹ).

So với F-4E bản gốc, máy bay Nhật Bản đã bị loại bỏ một vài thành phần quan trọng như hệ thống DCU-9/A, máy tính AN/ASQ-91, thiết bị điều khiển tên lửa không đối đất ARW-77, khả năng tiếp liệu trên không cũng như mang vũ khí hạt nhân... để tránh gây căng thẳng với láng giềng.

Ngoài ra trong năm 1974, họ còn mua tiếp 14 chiếc bản trinh sát RF-4E, đưa tổng số F-4 phục vụ trong Không quân Nhật Bản lên tới con số 154.

RF-4E được trang bị radar trinh sát phía trước AN/APQ-99, radar AN/APD-10 để tìm kiếm xung quanh, hệ thống dẫn đường quán tính AN/ASN-55, thiết bị phát hiện hồng ngoại AN/AAS-18A, thiết bị cảnh báo radar J/APR-2 và camera giám sát dạng pod treo ngoài.

Trong khi đó RF-4J là bản hiện đại hóa, nó mang radar AN/APQ-172 với khả năng xử lý hình ảnh để thay thế loại nguyên bản AN/APQ-99, nâng cấp thiết bị điều hướng, thiết bị cảnh báo radar J/APR-5 cũng chiếm chỗ loại J/APR-2, nó thực hiện được đa dạng các nhiệm vụ tùy thuộc yêu cầu.

Bên cạnh đó Nhật Bản còn sở hữu khoảng 92 chiếc F-4EJ "Kai", chúng được nâng cấp vào năm 1987, cung cấp khả năng không chiến và tấn công mặt đất/mặt biển rất mạnh, nó mang được 8 tên lửa không đối không AIM-9P/L Sidewinder hoặc AIM-7E/F Sparrow, 2 tên lửa chống tàu ASM-1, thậm chí cả bom hạt nhân.

Gói nâng cấp bao gồm tích hợp radar điều khiển hỏa lực AN/APG-66, hệ thống dẫn đường quán tính LN-39, mà hình hiển thị trước mặt phi công, máy đo áp suất khí quyển CP-1075/AYR, hệ thống nhận dạng địch - ta AN/APX-79A và hệ thống cảnh báo radar J/APR-4 Kai.

Như vậy có thể nhận thấy những chiếc F-4 của Nhật Bản có năng lực tác chiến chẳng kém gì F-16 Block 40, trong khi tầm hoạt động cũng như tải trọng vũ khí lớn hơn. Với nguồn phụ tùng dồi dào sau khi loại biên, có khả năng một số chiếc Phantom II sẽ được Nhật Bản sang nhượng lại cho một đối tác nào đó trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/manh-ngang-f-16-nhat-ban-se-ban-lai-f-4e-sau-khi-loai-bien/20201201093130177