Mạnh tay hơn nữa

Việc 7 công ty lữ hành Việt Nam bị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo hủy bỏ tư cách xin visa và 1 công ty bị đình chỉ có thời hạn khỏi danh sách đại diện xin cấp visa đoàn, do vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết, đang gây xôn xao trong giới kinh doanh du lịch.

Hình ảnh nghi là nhóm khách du lịch Việt Nam trước khi bỏ trốn tại Cao Hùng (Đài Loan)

Hình ảnh nghi là nhóm khách du lịch Việt Nam trước khi bỏ trốn tại Cao Hùng (Đài Loan)

Nguyên nhân chi tiết dẫn tới quyết định này của phía Nhật Bản chưa được tiết lộ, song lý do được đồn đoán nhiều nhất vẫn là vì để du khách trốn, ở lại bất hợp pháp.

Cùng với vụ việc này, năm 2019 có thể coi là đầy “sóng gió” của hoạt động kinh doanh du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến việc Đài Loan tuyên bố ngừng ngừng cấp visa Quan Hồng cho khách đoàn Việt Nam và thắt chặt chính sách visa vì vụ 152 khách du lịch bỏ trốn. Ngày 10-6, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam thông báo chính sách cấp thị thực 5 năm cho người dân Việt Nam đã bị thay đổi do có nhiều trường hợp vi phạm, trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp. Theo thông báo của phía Hàn Quốc, tháng 5 được coi là tháng cao điểm của vi phạm, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người trốn, ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp. Vì thế, phía Hàn Quốc sẽ phải quay về chính sách ban đầu và chỉ xét duyệt cấp thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam có hộ khẩu tại 3 thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Theo thống kê sơ bộ, số lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài lên tới hàng chục triệu người mỗi năm và đang gia tăng hàng năm khoảng 15%-20%. Bên cạnh nhiều lợi ích, thì loại hình du lịch này cũng đang tồn tại những bất cập, trong đó có hiện tượng du khách Việt lợi dụng việc đi du lịch để trốn ở lại lao động bất hợp pháp ở nước sở tại. Để hạn chế tình trạng này, nhiều đơn vị lữ hành siết chặt khâu kiểm định hồ sơ của du khách trước khi xin thị thực, song vẫn còn những kẻ đang núp bóng các công ty du lịch, lợi dụng danh nghĩa du lịch đưa người đi trốn ở nước ngoài, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật; những du khách cố tình bỏ trốn đang làm ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Việt Nam.

Bộ VH-TT-DL đã có văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Mới đây nhất, ở Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch đã quy định, nếu để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật sẽ phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoạt động lữ hành 12-18 tháng. Song, phải chăng hình thức xử phạt vẫn còn nương nhẹ, vì thế vẫn liên tiếp xảy ra hiện tượng những du khách mua tour, thậm chí tour đắt tiền nhưng là cố tình sử dụng visa du lịch để trốn, ở lại định cư, lao động bất hợp pháp, thăm thân... Những khách này thường chuẩn bị hồ sơ xin visa rất tinh vi với đầy đủ giấy tờ chứng minh việc làm, thu nhập, hoàn cảnh gia đình.

Vì thế, nên chăng bên cạnh các hình thức xử phạt bằng tiền, cần có thêm những hình phạt tăng nặng, trong đó có ý kiến đã từng đề xuất việc “bêu tên” những người Việt khi du lịch nước ngoài làm xấu hình ảnh đất nước, trong đó có cả hành vi bỏ trốn.

Rõ ràng, thực trạng trên cho thấy, đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn nữa nhằm trả lại sự trong sạch môi trường kinh doanh du lịch Việt Nam cũng như hình ảnh người Việt Nam khi ra nước ngoài.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/manh-tay-hon-nua-603718.html