Mạnh tay với xây dựng không phép, sai phép
TP HCM xem xét việc cắt điện, nước, thậm chí cấm không được đi khỏi nơi cư trú, không được xuất cảnh sang các nước đối với những đầu nậu, chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM diễn ra ngày 12/12 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Giảm xây dựng không phép, sai phép
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tổng số công trình sai phạm xây dựng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm là 2.354 trường hợp. Trong đó có đến 9 quận – huyện chiếm 70% sai phạm, đứng đầu là quận Thủ Đức với 114 vụ, quận 9 có 111 vụ, quận 12 với 100 vụ,… UBND TP HCM thông tin, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố sau khi thực hiện Chỉ thị 23 là 804 công trình (309 công trình sai phép, 495 công trình không phép), bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm thì số vụ vi phảm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%.
Mặc dù số vụ vi phạm xây dựng có giảm sau khi thực hiện Chỉ thị 23, tuy nhiên một số quận – huyện, sở - ngành vẫn than khó trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND Quận 4 thông tin, quận không có đất nông nghiệp nên không có vụ việc xây dựng không phép. Nhưng hơn 70% nhà ở của quận 4 có diện tích dưới 20m2 nên phần lớn vi phạm ở nhà diện tích nhỏ này. Đặc biệt, có phường có số dân lên đến 50.000 người/km2, trong khi quy định không cấp phép nhà dưới 15m2 dẫn đến tình trạng người dân xây dựng sai phép.
Ông Nguyễn Hoàng Quân kiến nghị thành phố, cho một số quận đông dân được xây dựng nhà tạm nhà ở dưới 15m2 nhằm giải quyết tình trạng người dân cố tình xây không phép. Lên tiếng về những khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, ông Lê Hòa Bình – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM khẳng định, vấn đề nhân sự và pháp lý chưa thật sự ủng hộ công tác này. Về nhân sự, Đề án thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở quận – huyện chưa được phê duyệt. Về pháp lý, quyết định xử phạt vi phạm hành chính chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế có nhiều vướng mắc. Muốn ngưng cung cấp điện, nước đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng không làm được vì quy định hiện nay không cho phép.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, nếu không ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép, sai phép sẽ ảnh hưởng đến xã hội, tạo tâm lý lây lan, xem thường pháp luật.
Xử lý nghiêm minh
Nhằm giải quyết tốt vấn nạn xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn thành phố, lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo, sắp tới có thể thực hiện cắt hợp đồng điện, nước đối với những chủ đầu tư, nhà thầu, đầu nậu vi phạm. Thậm chí, UBND TP HCM yêu cầu, công an thành phố xem xét nếu vi phạm trật tự xây dựng có cấm không được đi khỏi nơi cư trú, không được xuất cảnh sang các nước? “Quan điểm của thành phố, phải cung cấp đầy đủ điện, nước cho người dân, đồng thời xử lý mạnh tay đối với các đầu nậu, chủ đầu tư, tổ chức làm sai. Chúng ta có thể phạt hành chính cùng các biện pháp cưỡng chế đi kèm đối với cá nhân cho câu điện nhờ, hoặc thuê dịch vụ sử dụng điện” - ông Võ Văn Hoan nói. Theo vị này, thành phố không bó tay với xây dựng không phép, sai phép.
Đồng quan điểm với UBND thành phố, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho rằng, đơn vị sẽ tạm ngưng gắn mới đồng hồ nước hoặc tạm ngưng cấp nước cho các công trình xây dựng khi có thông báo của chính quyền địa phương. Về phía cung cấp điện, Tổng Công ty Điện lực TP HCM cho biết, có quy định xử lý đối tượng sử dụng điện cho câu nhờ nhưng vẫn khó xử lý. Riêng việc cắt hợp đồng sử dụng điện, theo Luật Xây dựng năm 2014, không quy định cắt điện khi vi phạm xây dựng. “Quy định rất rõ nên khó cho ngành điện khi địa phương yêu cầu phối hợp cắt điện đối với dự án vi phạm xây dựng. Ngành điện mong thành phố chia sẻ” - đại diện Tổng Công ty điện lực TP HCM nhấn mạnh.
Dựa trên kết quả thực tế từ việc triển khai Chỉ thị 23, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả các ngành, quận – huyện đạt được và chỉ đạo, năm 2020 các quận – huyện có công trình xây dựng không phép, sai phép tăng sau khi triển khai Chỉ thị 23 sẽ phải quyết liệt kiểm tra, phát hiện và xử lý. “Về vấn đề quản lý nhà nước, cần rà soát củng cố cơ sở pháp lý. Cuối tháng 12/2019, phải có hướng dẫn xử lý công trình xây dựng sai phạm”- ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các ngành liên quan.