Mạnh tay xử lý tin giả xuất hiện tràn lan trong bão số 3

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số tỉnh phía bắc, đã xuất hiện Fanpage, trang cá nhân trên mạng xã hội mạo nhận là nạn nhân, người dân bị ảnh hưởng và Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền trả lời báo chí chiều 13/9.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền trả lời báo chí chiều 13/9.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là các tin đồn về việc vỡ đê, cắt điện, gây lo lắng cho người dân.

Rất nhiều địa phương chủ động xử lý tin giả

Tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 13/9, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để loại bỏ tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền tin đồn thất thiệt, bảo đảm môi trường mạng an toàn, trong sạch.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang duy trì hoạt động của Trung tâm xử lý tin giả. Đây là nơi chuyên tiếp nhận và xử lý các thông tin sai lệch.

Không chỉ ở cấp bộ ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Thời gian qua, bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt nhằm trấn an dư luận.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong cơn bão số 3 vừa qua, hàng loạt tin giả về vỡ đê, vỡ đập và cắt điện tại Hà Nội đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các bộ, ngành và cổng thông tin điện tử các địa phương, nhiều thông tin sai lệch đã nhanh chóng bị bác bỏ.

Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trân Tổ quốc huyện Lâm Thao.

Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trân Tổ quốc huyện Lâm Thao.

Chẳng hạn, Quảng Ninh đã nhanh chóng xử lý tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, gây hoang mang lớn cho người dân. Tỉnh Hải Dương cũng đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ.

Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hòa.

Hình ảnh về một người mẹ bế con ngồi trên chậu ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã xác định tin giả, Sau khi cơ quan chức năng địa phương xác minh, kết quả cho thấy đây là tin giả, được dàn dựng bởi một YouTuber.

Hoặc một video clip khác về em bé khóc lạc mẹ ở Hà Giang đã được xác minh là thông tin sai lệch. Các đối tượng có liên quan đã bị triệu tập để xử lý, đồng thời công khai thông tin để người dân biết.

Người dân cần cẩn trọng để không bị lôi kéo phát tán tin giả

Những vụ việc trên cho thấy, mỗi khi thiên tai hay dịch bệnh xảy ra, tin giả thường có xu hướng phát tán nhanh chóng, khiến người dân dễ bị lôi kéo theo cảm xúc và chia sẻ thông tin không qua xác minh.

Viettel khuyến cáo các thông tin kêu gọi người dân nhập các cú pháp để có mạng khi bị mất tín hiệu wifi là thông tin không chính xác.

Viettel khuyến cáo các thông tin kêu gọi người dân nhập các cú pháp để có mạng khi bị mất tín hiệu wifi là thông tin không chính xác.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook và TikTok để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin sai lệch.

Facebook đã gỡ bỏ 36 tin bài chứa thông tin sai sự thật liên quan đến bão lũ, trong khi TikTok đã chặn 51 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng chống thiên tai. .

Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang cho các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý.

Trước thực trạng tin giả hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khuyến nghị: “Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết”.

Cảnh giác với hình thức lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi

Trước đó, Cục An toàn thông tin cũng vừa cảnh báo người dân khi tham gia không gian mạng cần cảnh giác với hình thức lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi và đưa thông tin sai lệch liên quan bão số 3, còn gọi là bão Yagi.

Mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão.

Mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão.

Theo Cục An toàn thông tin, những ngày gần đây, lợi dụng ảnh hưởng của bão Yagi, trên không gian mạng xuất hiện tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi và đưa thông tin sai lệch liên quan đến cơn bão này.

Cụ thể, lợi dụng sự quan tâm và sự thương cảm, sẻ chia của nhiều người dân trên cả nước với đồng bào tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, một số fanpage giả được lập để kêu gọi ủng hộ từ thiện.

Về thủ đoạn, đối tượng lừa đảo đã tạo tài khoản giả mạo cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức uy tín để đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình bão, lũ tại các tỉnh miền bắc, từ đó kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, những ngày gần đây, một số người dùng mạng xã hội đã phản ánh họ bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước sự xuất hiện tràn lan của các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến cũng như hành vi phát tán thông tin sai sự thật liên quan đến bão Yagi, Cục An toàn thông tin khuyên người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ phòng chống bão lũ, người dân cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng; đồng thời, theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức, địa chỉ uy tín tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão Yagi và mưa lũ sau bão.

Người dân không nên chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ thực hiện quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín. Trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin thì có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan.

Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người dân kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ khỏi những thông tin sai lệch; chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác, qua đó hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.

Ngoài ra, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ một cách rộng rãi những thông tin cảnh báo về lừa đảo trực tuyến, tin giả, tin sai sự thật để mọi người cùng nêu cao cảnh giác.

NGUYÊN HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/manh-tay-xu-ly-tin-gia-xuat-hien-tran-lan-trong-bao-so-3-post830834.html