Mạnh tay xử lý xả rác, tiểu bậy ở đường phố
Tình trạng rác thải trên các vỉa hè, đường phố, dòng kênh đã và đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để cải thiện thực trạng này, không thể chỉ có cơ quan chức năng mà còn cần ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Và, đã đến lúc phải có biện pháp mạnh hơn, đó là chế tài đủ mạnh để răn đe. Có như vậy mới hy vọng lập lại môi trường sống xanh, sạch cho thành phố hiện nay.
Phạt nguội các hành vi xả rác, tiểu bậy
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, trong chương trình Lắng nghe và Trao đổi về chủ đề “Xử phạt vi phạm hành chính về môi trường ở nơi công cộng và khu dân cư - thực trạng và giải pháp” do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức, diễn ra ngày 14-10.
Theo bà Thanh Mỹ, Nghị định 155/2016 đã quy định khá đầy đủ về xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng. Thế nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm...
Bà Mỹ đề xuất giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Nguồn tiền xử phạt vi phạm được dùng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này. Mặt khác, các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng như hành vi tiểu tiện, xả rác không đúng quy định… khó bắt quả tang do thiếu lực lượng kiểm tra. Do đó, Sở TN&MT cũng đề xuất cơ chế phạt nguội thông qua thiết bị ghi hình.
“Hiện đa phần địa phương đã có camera giám sát an ninh trật tự, giao thông trên địa bàn. Việc tận dụng mạng lưới camera này và cho phép địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera làm chứng cứ xử phạt là phù hợp với thực tế hiện nay của TP.HCM”, bà Mỹ đặt vấn đề.
Cần tăng cường chế tài
Gần đây, tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố đang chịu sức ép dân số rất lớn. Trung bình mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 200.000 người dân di cư từ các tỉnh, thành khác vào TP.HCM. Trong số đó, không ít người dân di cư mang theo nếp sống nông thôn và số ít trong đó không tuân theo những quy định về vấn đề bảo vệ môi trường.
Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố đang tăng nhanh chóng. Từ 6.500 tấn/ngày (năm 2016), đến nay lượng rác đã tăng hơn 8.500 tấn/ngày. Trong những ngày cao điểm lễ tết, lượng rác có thể tăng đến hơn 9.000 tấn/ngày. Tại nhiều khu vực, ngươi dân ngang nhiên bỏ rác không đúng nơi quy định, tại các khu vực công cộng, bãi đất trống, kênh rạch… gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy định, mỗi ngày các công ty công ích quận, huyện của TP.HCM sẽ tổ chức quét rác ít nhất 1 lần/ngày và thường quét rác vào ban đêm… Một vài quận trung tâm còn tổ chức quét rác 2 lần/ngày (trước 6 giờ sáng và sau 20 giờ). Thế nhưng ngay sau khi vừa quét xong, rác lại tiếp tục được xả ra đường, tình trạng rác tràn lan vẫn tiếp diễn…
Theo các chuyên gia môi trường, để có thể cải thiện chất lượng môi trường, nhất thiết nâng cao ý thức người dân trong vấn đề xả thải. Không dừng lại ở công tác tuyên truyền mà nên kết hợp với chế tài. Cùng với đó, nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan chức năng liên quan, mạnh dạn phân cấp, trao quyền và đề xuất mức phạt hành chính thật nặng với đối tượng có hành vi vi phạm môi trường nói chung và xả rác nơi công cộng nói riêng. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng trong việc tham gia phát hiện, ghi hình và xử phạt đối tượng xả rác nơi công cộng.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm về môi trường với số tiền phạt hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/manh-tay-xu-ly-xa-rac-tieu-bay-o-duong-pho-798058.html