Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc giữa những tranh cãi
Vụ mảnh vỡ tên lửa đẩy Trường Chinh - 5B của Trung Quốc rơi trở lại Trái đất đã thu hút sự chú ý của cả thế giới và gây nên nhiều tranh cãi. Các mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống Ấn Độ Dương lúc 10h24 sáng 9/5.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 9/5, Văn phòng Công trình đưa người vào không gian của Trung Quốc sáng Chủ nhật cho biết mảnh vỡ của khoang đẩy cuối tên lửa Trường Chinh - 5B (CZ-5B) do Trung Quốc phóng lên từ bãi phóng Văn Xương, Hải Nam sẽ quay trở lại bầu khí quyển lúc 9h12 sáng cùng ngày (theo giờ Hà Nội); khu vực nó tái nhập khí quyển nằm ở phía trên tọa độ 28,38 ° kinh Đông và 34,43 ° vĩ Bắc, tức trên bầu trời Địa Trung Hải.
Trung tâm Theo dõi và Giám sát Không gian của Liên minh Châu Âu (EUSST) trước đó đã dự đoán rằng phần còn lại của khoang tên lửa sẽ quay trở lại bầu khí quyển lúc 2h32 sáng GMT vào Chủ nhật (9h32 sáng theo giờ Hà Nội vào Chủ nhật), với sai số cộng hoặc trừ 139 phút . Theo EUSST, xác suất mảnh tên lửa rơi ở những khu vực đông dân cư là rất thấp, nhưng vẫn có thể xảy ra bất trắc do không kiểm soát được vật thể này.
Modul Thiên Hà dung tích 100m3 được tên lửa đưa vào không gian Ảnh: Đa Chiều).
Công ty Mỹ Aerospace Corporation lại cho ra rằng mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống đất lúc 3h30 sáng UTC ngày Chủ nhật (tức 10h30 sáng theo giờ Hà Nội) với sai số cộng hoặc trừ 4 giờ. Thời gian rơi thực tế có thể khác nhau.
Tên lửa Trường Chinh – 5B đã được Trung Quốc phóng lên vũ trụ vào ngày 29/4 để đưa modul lõi Thiên Hòa có dung tích 100m3 lên quỹ đạo, phần này sẽ là nơi để 3 phi hành gia sống và sinh hoạt trên Trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc. Việc phóng modul lõi là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 nhiệm vụ được yêu cầu để hoàn thành việc lắp đặt một trạm không gian. Vật thể mang đã được đưa vào quỹ đạo thành công, nhưng khoang đẩy của tên lửa đã mất kiểm soát và rơi trở lại Trái đất. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mảnh vỡ của tên lửa sẽ bốc cháy khi bay vào bầu khí quyển nên khả năng gây hại là cực kỳ thấp.
Phần tên lửa rơi xuống (toàn bộ phần màu nâu và 2 khoang trợ lực) cùng quỹ đạo di chuyển của mảnh vỡ quanh Trát Đất. Chấm đen là điểm rơi xuống được Aerospace dự đoán hôm 8/5 (Ảnh: UDN).
Tuy nhiên, xung quanh việc mảnh vỡ của tên lửa rơi trở lại Trái Đất này đã gây nên nhiều tranh cãi. Bộ Tư lệnh Không gian quân đội Mỹ ngày 4/5 cho biết, họ “đang theo dõi sát và báo cáo cho công chúng vị trí của mảnh vỡ tên lửa. Hiện không thể xác định nơi nó rơi xuống Trái Đất”.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 6/5 liệu Mỹ có bắn hạ mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Chúng tôi hy vọng nó sẽ rơi xuống nơi sẽ không gây ra thương vong; hy vọng nó sẽ rơi xuống đại dương hoặc những nơi tương tự” và nói Mỹ “không có kế hoạch bắn hạ”.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 5/5, khi được hỏi: “Nếu mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc gây tổn hại cho Mỹ, Mỹ có yêu cầu bồi thường không”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chưa đến lúc thảo luận về vấn đề này. Chúng tôi đang theo dõi vị trí của nó thông qua Bộ Chỉ huy Không gian và hy vọng cuối cùng không phải làm điều đó”. Bà nhấn mạnh: “Mỹ chú ý giải quyết vấn đề rác vũ trụ gây ra do sự gia tăng các hoạt động trong không gian. Mỹ hy vọng sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy hành vi có trách nhiệm trong không gian".
Ảnh chụp các mảnh vỡ bốc cháy khi ngang qua Italy đêm 8/5 (Ảnh: virtualtelescope.eu).
Trong khi đó, phía Trung Quốc cáo buộc truyền thông phương Tây đang phóng đại quá mức việc tên lửa của họ “mất kiểm soát” và có thể gây ra thiệt hại lớn. Theo Reuters, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng những thông tin nói tên lửa “mất kiểm soát” và có thể gây ra thiệt hại chỉ là “sự thổi phồng của phương Tây”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng xác suất gây hại do quá trình này gây ra là cực kỳ thấp.
Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ, nói rằng thông lệ quốc tế cho phép tên lửa đi vào bầu khí quyển để vứt bỏ và phá hủy.
Ông nói: “Theo tôi biết, loại tên lửa này áp dụng một thiết kế kỹ thuật đặc biệt, hầu hết các bộ phận sẽ bị mài mòn và phá hủy trong quá trình rơi trở lại, xác suất gây hại cho các hoạt động hàng không và trên mặt đất là cực kỳ thấp; các cơ quan có thẩm quyền liên quan sẽ kịp thời thông báo tình hình cho bên ngoài biết”.
Khoang đẩy tên lửa Trung Quốc rơi xuống trước đây (Ảnh: weibo).
Uông Văn Bân cho biết, phía Trung Quốc rất quan tâm theo dõi việc tái nhập khí quyển của mảnh vỡ tên lửa, nhưng từ chối trả lời câu hỏi về vị trí dự kiến nó rơi xuống; thay vào đó, ông khuyên các phóng viên “hãy tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan”. Tuy nhiên, Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi liên quan của phóng viên Bloomberg.
Kể từ khi trạm vũ trụ Skylab của Mỹ bị lệch quỹ đạo và rơi xuống Tây Australia vào năm 1979 đến nay, hầu hết các chương trình không gian đã cố gắng tránh đưa các tên lửa lớn vào quỹ đạo, bởi vì trong trường hợp này, việc rơi trở lại Trái Đất của chúng sẽ rất khó dự đoán.
Theo tin của The Guardian, khoang tên lửa Trường Chinh – 2B Trung Quốc bị mất kiểm soát này dài 30 mét, rộng 5 mét và nặng tới 21 tấn, nó có thể trở thành một trong những mảnh rác vũ trụ lớn nhất rơi xuống mặt đất.
Ảnh chụp khoang đẩy tên lửa Trường Chinh - 5B đang rơi hôm 6/5
(Ảnh: virtualtelescope.eu)
Khoang tên lửa này hiện đang nhào lộn tự do trên không gian quanh Trái đất, sắp đi vào tầng khí quyển thấp hơn, và dự kiến sẽ rơi xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát. Độ nghiêng quỹ đạo của nó là 41,5 độ, có nghĩa là các khu vực của Trái Đất trong dải từ phía bắc như Chicago, New York, Rome, Bắc Kinh, Hà Nội và phía nam đến New Zealand, Chile đều nằm trên đường di chuyển và có thể rơi.
Mặc dù các nhà khoa học kỳ vọng rằng hầu hết các mảnh vỡ sẽ bị đốt cháy và phá hủy khi nó đi vào khí quyển, nhưng vẫn có một số sẽ rơi xuống những nơi khác nhau trên trái đất, những phần này bao gồm một số kim loại và thủy tinh chưa được đốt cháy.
Một số nhà khoa học cho rằng, việc Trung Quốc để mảnh vỡ tên lửa quay trở lại Trái Đất một cách không kiểm soát là vô trách nhiệm. Ông Paulo Lozano, Giám đốc Phòng thí nghiệm Lực đẩy Không gian tại Viện Kỹ thuật Massachuset (MIT) nói: “Họ (Trung Quốc) phải chịu trách nhiệm. Họ đã không cung cấp đủ thông tin hoặc không làm đủ công việc trong quá trình thiết kế để ngăn vật thể không gian quay trở lại Trái đất một cách mất kiểm soát. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng....Hy vọng chúng sẽ không rơi trên đất liền, đặc biệt là ở những nơi công cộng, hậu quả sẽ rất tệ”.
Ông Lozano cho biết, hầu hết tất cả các vụ phóng tên lửa ở Mỹ đều cần đến giai đoạn thứ 2. Trong giai đoạn này, động cơ sẽ khởi động lại để dẫn tên lửa quay trở lại trái đất trong một khu vực không có người được chỉ định sẵn. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh - 5B không có thiết kế này.
Theo ông Jonathan Black, giám đốc Phòng thí nghiệm Hệ thống Hàng không và Hàng hải tại Virginia Tech, công nghệ này đã được ứng dụng trong mười năm trở lại đây. Mặc dù tên lửa Trường Chinh – 2B vừa được phóng vào cuối tháng 4, nhưng công nghệ của nó vẫn là mấy chục năm trước. Các nhà khoa học suy đoán rằng giá thành cao có thể là lý do khiến Trung Quốc không áp dụng các công nghệ mới.
Khoang đẩy của tên lửa Trung Quốc rơi xuống tỉnh Quảng Tây trước đây (Ảnh: weibo).
Nhà vật lý thiên văn Đại học Harvard, ông Jonathan McDowell chỉ trích Trung Quốc đã cẩu thả trong vấn đề này, không nên để các vật thể nặng hơn 10 tấn từ không gian rơi xuống Trái Đất. Ông nói, các mảnh vỡ gây nguy hiểm tiềm tàng có thể không bị cháy hoàn toàn khi quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ siêu thanh, nhưng xác suất rơi xuống biển cao hơn vì 70% bề mặt trái đất được bao phủ bởi đại dương. Tuy nhiên, ông McDowell nói với Reuters rằng vẫn có khả năng mảnh vỡ tên lửa có thể rơi trên mặt đất; thậm chí có thể rơi ở những khu vực đông dân cư, giống như mảnh vỡ của một tên lửa Trường Chinh - 5B khác đã rơi xuống Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) vào tháng 5/2020, phá hủy nhiều tòa nhà, nhưng may mắn không gây ra thương vong nào về người.
Theo thông tin mới nhất từ trang Đông Phương lúc 11h33’: Văn phòng Công trình đưa người vào không gian của Trung Quốc thông báo: mảnh vỡ khoang cuối của tên lửa mang Trường Chinh -5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 10h24 sáng. Khu vực rơi nằm ở tọa độ 72,47 ° kinh Đông và 2,65 ° vĩ Bắc trên Ấn Độ Dương gần Maldives, hầu hết các thiết bị đã bị đốt cháy trong quá trình tái nhập khí quyển.