Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 4B của Trung Quốc suýt rơi trúng trường học

Tên lửa Trường Chinh 4B của Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh quan sát Trái đất vào ngày 7.9 nhưng tầng thứ nhất suýt trúng trường học khi rơi trở lại Trái đất.

Tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên hôm 7.9 - Ảnh: Space

Tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên hôm 7.9 - Ảnh: Space

Some impressive footage from today's Long March 4B first stage return.

:https://t.co/9oRPoR0ZdF pic.twitter.com/SEl7t1u5xJ

— LaunchStuff (@LaunchStuff) September 7, 2020

Tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh lúc 1 giờ 57 chiều (giờ địa phương) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở phía bắc Trung Quốc. Nó mang theo vệ tinh Cao Phân 11, một vệ tinh quan sát quang học với hình ảnh có độ phân giải cao, hiển thị các vật thể có chiều ngang nhỏ hơn 1 mét.

Theo truyền thông Trung Quốc, dữ liệu do vệ tinh Cao Phân 11 trả về chủ yếu được sử dụng để khảo sát đất đai, quy hoạch thành phố, xác nhận quyền sử dụng đất, thiết kế mạng lưới đường bộ, ước tính năng suất cây trồng, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai.

Cao Phân 11 sẽ hỗ trợ thông tin cho sáng kiến Vành đai và Con đường. Vệ tinh này cũng tham gia vào một hệ thống lớn hơn với các vệ tinh quan sát Trái đất khác như một phần của Hệ thống Quan sát Trái đất độ phân giải cao (CHEOS) của Trung Quốc. Một số chi tiết về vệ tinh đã được cung cấp trước đó. Đoạn phim về vụ phóng Cao Phân 11 đầu tiên vào năm 2018 cho thấy vệ tinh này là một kính viễn vọng khẩu độ lớn để quan sát Trái đất.

Hình ảnh do người dân quay và chia sẻ trên mạng xã hội Weibo cho thấy, sau vụ phóng tầng thứ nhất của tên lửa Trường Chinh 4B rơi xuống Trái đất và nổ tung thành một đám mây khói màu cam. Đoạn video có giọng nói trẻ em dường như được quay trong sân một trường học gần làng Lilong thuộc thị trấn Cao Yếu, huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây.

Được biết, tầng thứ nhất của tên lửa Trường Chinh 4B sử dụng hỗn hợp hydrazine và nitrogen tetroxide khá độc hại để làm chất đẩy. Việc tiếp xúc với một trong hai hợp chất trên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Trung Quốc có 3 địa điểm phóng vào không gian nằm sâu trong đất liền, được lựa chọn để đảm bảo an ninh trong Chiến tranh Lạnh. Một bãi phóng ven biển mới tại thành phố Văn Xương chỉ dùng để phóng tên lửa Trường Chinh 5 và 7. Các vụ phóng từ Tây Xương thường thấy các mảnh vỡ tên lửa rơi gần khu vực có người ở. Những khu vực được cho là có khả năng bị đe dọa sẽ được cảnh báo và sơ tán trước các vụ phóng. Sự cố vừa xảy ra cho thấy các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện chặt chẽ.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã phát triển và sản xuất vệ tinh Cao Phân 11. Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ Thượng Hải (SAST), một trong những viện lớn trực thuộc CASC, đã chế tạo tên lửa đẩy hai tầng Trường Chinh 4B. Các cơ sở sản xuất tên lửa chính của tập đoàn này ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Vụ phóng hôm 7.9 là vụ phóng thứ 25 của Trung Quốc tính đến năm 2020, bao gồm chuyến bay thử nghiệm tên lửa Trường Chinh 5B cho các nhiệm vụ trạm không gian và vụ phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 lên sao Hỏa - sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của nước này. Ba trong số 25 vụ phóng đã thất bại.

Long Hải (theo Space)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/manh-vo-ten-lua-truong-chinh-4b-cua-trung-quoc-suyt-roi-trung-truong-hoc-143667.html