Mạo danh đại lý bán pin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Dù không làm việc tại đại lý bán pin, nhưng Đỗ Thị Thu Hiền đã làm giả con dấu giao dịch bán pin xe máy điện cho người khác và chiếm đoạt tiền.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra ngày 11-12-2024 tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo mua pin xe máy điện (ảnh minh họa)

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo mua pin xe máy điện (ảnh minh họa)

Cơ quan công an xác định đối tượng lừa đảo là Đỗ Thị Thu Hiền (SN 2000) trú tại xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, nhân viên bán xe máy điện và pin xe máy điện tại một đại lý ở quận Hà Đông, Hà Nội từ cuối năm 2022. Đến ngày 30-10-2023, đại lý đóng cửa nên Hiền nghỉ việc.

Quá trình làm nhân viên cửa hàng bán xe máy điện, Hiền quen biết nhiều khách hàng. Sau khi nghỉ việc, khách hàng vẫn liên hệ với Hiền để mua và thuê pin xe máy điện. Do nghỉ việc không có tiền chi tiêu cá nhân, Hiền nảy sinh ý định lừa bán pin xe máy điện của một hãng xe cho người khác để lấy tiền.

Hiền đã sử dụng con dấu giả theo mẫu dấu của đại lý, nhưng lấy địa chỉ tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và tự làm mẫu biên bản bàn giao pin theo mẫu của đại lý bán xe máy điện, rồi dùng con dấu giả đóng vào biên bản. Sau đó, Hiền dùng biên bản đó giao dịch bán pin xe máy điện cho người khác và chiếm đoạt tiền.

Theo các điều tra viên Công an huyện Hoài Đức, hình thức lừa đảo bán hàng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội đã không còn xa lạ. Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Các trang Facebook cá nhân của các đối tượng lừa đảo thường không có thông tin cá nhân minh bạch. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm để thu hút sự quan tâm của người dùng. Nhiều đối tượng còn làm giả những giấy tờ liên quan đến chứng nhận hàng thật, con dấu của các công ty, doanh nghiệp lớn để tăng uy tín và tạo sự tin tưởng cho người mua. Khi có nạn nhân tiếp cận và đồng ý mua, đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc và sau đó chiếm đoạt tiền, chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân...

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin - Bộ Công an khuyến cáo người dân thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng. Người dân không nên chuyển khoản, hoặc cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính; không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.

Thu Ngân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mao-danh-dai-ly-ban-pin-lua-dao-chiem-doat-tai-san-post604305.antd