Mạo danh trường đại học, yêu cầu sinh viên chuyển 150 triệu đồng
Một sinh viên của ĐH Ngoại ngữ - Tin học (TP.HCM) đã xin gia đình chuyển 150 triệu đồng để 'nhận' học bổng do một đơn vị mạo danh nhà trường đưa ra.
ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết ngày 17/5, Phòng Chính trị - Công tác sinh viên đã tiếp một phụ huynh phản ánh về việc nghi ngờ một tổ chức giả danh nhà trường để lừa đảo sinh viên.
Phụ huynh này cho biết con mình là em A, sinh viên năm nhất khoa Ngoại ngữ của HUFLIT, gửi về cho gia đình giấy báo nhận học bổng 100% chương trình đào tạo ngành đặc biệt (trị giá gần 50 triệu đồng).
Bạn A yêu cầu gia đình gửi 150 triệu đồng (để chứng minh tài chính) mới có thể nhận được suất học bổng trên. Tuy nhiên, khi gia đình hỏi, A nói không phải nộp cho nhà trường mà nộp cho một công ty V. Sinh viên giải thích rằng đây là đơn vị liên kết với nhà trường.
Do không thể chu cấp ngay lập tức cho A một số tiền lớn, cùng với sự nghi ngờ con mình đã bị vướng vào hệ thống đa cấp nên phụ huynh đã liên hệ Phòng Chính trị - Công tác sinh viên để hỏi thông tin.
Ông Đinh Hồng Vân, Trưởng phòng Chính trị - Công tác sinh viên, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết khi nắm được thông tin từ phía phụ huynh, nhà trường truy tìm tên công ty V thì được biết biết đây là một công ty kinh doanh đa cấp.
"Họ mạo danh nhà trường đưa ra một tờ giấy thông báo nhận học bổng rất sơ sài, không có ai ký tên, đóng dấu, địa chỉ email cá nhân và yêu cầu nộp tiền để chứng minh tài chính", ông Vân thông tin.
Một trường hợp khác, sinh viên B. cũng gửi một thông báo nhận được học bổng về cho gia đình và xin tiền đi học. Gia đình thấy giấy tờ thông tin không rõ ràng, không có ai ký tên, đóng dấu nên đã gọi lại trường để hỏi thì mới biết đó là giả mạo.
Trưởng phòng Chính trị - Công tác sinh viên cho biết khi trao đổi với các sinh viên này, các em thừa nhận do tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp, túng thiếu tài chính nên được công ty hướng dẫn làm như vậy để xin tiền gia đình. Khoảng 10 sinh viên khác cũng được công ty này hướng dẫn tương tự.
"Hiện nay, các đường dây kinh doanh đa cấp đang phát triển rầm rộ trở lại. Các đối tượng sinh viên rất dễ bị cuốn vào con đường này. Thậm chí, năm ngoái, nhà trường phải phối hợp với Công an TP.HCM giải cứu một em sinh viên bị giam lỏng do không có tiền đóng cho đơn vị kinh doanh đa cấp", ông Vân cho hay.
Phòng Chính trị - Công tác sinh viên lưu ý phụ huynh và các sinh viên, nâng cao cảnh giác với các tình huống giả danh nhà trường để tặng các suất học bổng buộc sinh viên đóng tiền hoặc giả mạo giấy tờ (địa chỉ, logo của trường), lừa đảo về việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.