Mập mờ thanh toán để né thuế?
Dư luận xã hội đang quan tâm về thuế khi bên bán hàng đề nghị chuyển khoản không ghi rõ nội dung thanh toán
"Tôi vừa được chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng thông báo việc thanh toán qua tài khoản chỉ ghi tên người mua chuyển tiền". Nếu ghi nội dung chuyển tiền mua hàng, đặt cọc tiền hàng, thanh toán công nợ... bên bán sẽ thu thêm 10% để nộp cho cơ quan thuế theo đúng quy định" - chị Lê Thị Mai (TP Thủ Đức, TP HCM) phản ánh với Báo Người Lao Động vì không biết yêu cầu trên là đúng hay sai.
Chiêu trò giấu doanh thu để né thuế?
Tìm hiểu thông tin sự việc, chúng tôi phát hiện những ngày qua, có rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Không ít người kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) qua hình thức livestream và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... thông báo cho người mua hàng về nội dung tin nhắn khi thanh toán tiền hàng. Nếu người mua chuyển tiền mà ghi nội dung vi phạm quy định thì người bán sẽ thu 10% tổng giá trị chuyển tiền để nộp vào cơ quan thuế.
Điều này không chỉ khiến người mua hàng khó hiểu mà những người kinh doanh khác cũng hoang mang. Đáng chú ý, thông tin này lại lan truyền trong bối cảnh ngành thuế đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp để xác định nghĩa vụ thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, nhất là những người kinh doanh online, livestream bán hàng...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Tâm, chủ một cửa hàng dụng cụ thể thao (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết hiện nay, ngoài bán hàng trực tiếp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh... còn bán qua online, thuê người nổi tiếng livestream nhằm tăng thêm doanh thu và lợi nhuận. Có thể vì vậy nên khi nhà nước mạnh tay kiểm tra kê khai và nộp thuế, một số người nghĩ đến chiêu thức đề nghị bên mua ghi nội dung chuyển tiền không đầy đủ (đặt cọc, thanh toán, tạm ứng…) để tìm cách giấu doanh thu nhằm giảm thiểu số tiền thuế phải nộp.
Tuy nhiên, anh N.H.H (ngụ TP HCM), chủ một gian hàng thời trang trên sàn TMĐT, cho biết các chiêu trò giấu doanh thu để né thuế đã diễn ra từ lâu, không phải mới nhưng nó chỉ phổ biến đối với các giao dịch giữa người mua và người bán ngoài sàn TMĐT, đặc biệt là với những đơn hàng có giá trị lớn từ 30-50 triệu đồng trở lên, vì các khoản tiền này dễ bị cơ quan chức năng "soi".
Còn đối với người bán trên các sàn Shopee, TikTok Shop hay Lazada sẽ nộp thuế khoán dựa trên 1,5% x tổng doanh thu và doanh thu này đã được ghi nhận cụ thể trên sàn nên rất khó để né, chưa kể lệ phí môn bài. Trong khi đó, mua bán trên Facebook và các mạng xã hội khác dễ giấu doanh thu hơn vì những ứng dụng này chưa được quản lý chặt chẽ. "Theo quy định mới, từ ngày 1-4-2025, các sàn TMĐT sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hoạt động trên nền tảng của họ.
Như vậy, người bán hàng online sẽ không còn phải tự thực hiện các thủ tục thuế, thay vào đó, các sàn sẽ đảm nhiệm công việc này. Điều này giúp nhà bán tránh mất thời gian, rủi ro khi xử lý thuế. Nhưng một số sàn TMĐT thông báo đang phối hợp cơ quan thuế, chưa có cập nhật cụ thể nên nhà bán vẫn phải tự làm" - anh N. nói.
Theo anh L.T.P, chủ gian hàng nội thất trên sàn TMĐT, tình trạng người bán online nhưng không thông qua sàn TMĐT có doanh thu hằng tháng hàng tỉ đồng. Vì thế, họ yêu cầu người mua ghi nội dung chuyển tiền mập mờ để khi bị kiểm tra có thể che đậy được doanh thu tính thuế.
Không có chuyện thu thuế 10%
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Thuế TP HCM khẳng định các thông tin về giao dịch TMĐT sẽ bị thu thuế 10% lan truyền trên mạng xã hội là không đúng. Việc người bán hàng yêu cầu người mua ghi nội dung chuyển tiền không rõ ràng là để giấu doanh thu.
Bởi, khi mua hàng trực tiếp, người dân đã nộp thuế 10% trên giá trị hàng hóa. Sau đó, người bán sẽ thay người mua nộp số thuế này cho nhà nước. Còn khi giao dịch hàng hóa online, bên bán phải nộp thuế 1,5% trên doanh thu, trong đó có 1% thuế GTGT đã được bên bán cộng vào giá hàng hóa. Điều này đồng nghĩa toàn bộ người mua hàng online đã nộp 1% thuế GTGT.
"Vì thế, khi thanh toán chuyển khoản, người mua hàng cần ghi rõ mục đích chuyển tiền, số lượng hàng hóa… để khi truy vết bên bán, cơ quan thuế có cơ sở tính thuế GTGT, xác định doanh thu của người bán hàng online để tính thuế, nhằm bảo đảm công bằng cho các đối tượng nộp thuế. Riêng những người bán hàng qua mạng chưa kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế luôn truy vết nhằm xác định doanh thu để truy thu thuế, xử phạt tiền chậm nộp thuế" - lãnh đạo Cục Thuế TP HCM khuyến nghị và thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Hoa Bắc, Trưởng Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế TP HCM), năm 2025, Cục Thuế TP HCM sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có doanh thu từ các sàn TMĐT để tính thuế. Đặc biệt, các cá nhân nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên nền tảng số hoặc những người có thu nhập phát sinh từ TMĐT cũng là đối tượng được cơ quan thuế lên kế hoạch kiểm tra thuế.
"Cục Thuế TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về thuế, khuyến khích người kinh doanh nộp thuế TMĐT, đồng thời soạn tài liệu hỗ trợ các sàn TMĐT kê khai nộp thuế thay cho người kinh doanh qua sàn, hướng dẫn người nộp thuế tiếp cận Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số... Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí công khai danh tính người có số thuế bị thu thuế lớn nhằm răn đe, nâng cao nhận thức của người nộp thuế..." - ông Bắc thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, thông tin mà một số shop bán hàng lan truyền trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch tài khoản khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Quy định này đã có từ năm 2007 và không cho phép cơ quan thuế truy cập mọi tài khoản của người nộp thuế như thông tin lan truyền.
Về nghĩa vụ thuế, khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, bên bán phải kê khai và nộp thuế, không phụ thuộc vào hình thức thanh toán hay nội dung chuyển khoản. Các giao dịch không thanh toán như biếu, tặng cũng phát sinh nghĩa vụ thuế nếu có bản chất kinh doanh. Do đó, việc người bán yêu cầu khách hàng ghi nội dung chuyển khoản không rõ ràng để tránh khai báo là hành vi vi phạm.
Bản chất giao dịch kinh doanh, mua bán là yếu tố quyết định nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế có nhiều nguồn thông tin để chứng minh điều này. "Theo kinh nghiệm hành nghề của tôi, việc ghi hay không ghi nội dung như trên thì vẫn phát sinh nghĩa vụ thuế vì bản chất đó là giao dịch kinh doanh. Hiện nay, cơ quan thuế sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau làm cơ sở để chứng minh giao dịch đó là mua bán. Do vậy, người bán sẽ rất rủi ro nếu không kê khai nộp thuế" - ông Được nói.
Phạt thuế hơn 1.220 tỉ đồng
Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện có 76.428 cá nhân kinh doanh TMĐT. Qua rà soát, đã có hơn 30.019 cá nhân bị xử lý do có sai phạm, truy thu xử phạt về thuế 1.225 tỉ đồng. Đặc biệt, Cục Thuế TP HCM đã lên danh sách 300 người nổi tiếng có hoạt động TMĐT sẽ được kiểm tra thuế trong năm 2025.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/map-mo-thanh-toan-de-ne-thue-196250110213442539.htm