Marc Jacobs: Tìm kiếm vẻ đẹp trong những điều kỳ quặc và không hoàn hảo

Vì những sáng tạo khác thường mà Marc Jacobs từng bị đuổi việc. Chính sự kiên định trong gu thẩm mỹ đã giúp anh ghi dấu ấn mạnh mẽ trong làng thời trang.

Nhà thiết kế người Mỹ Marc Jacobs coi "yếu tố bất ngờ" là kim chỉ nam khi sáng tạo các tác phẩm mới. Nhờ niềm tin này mà anh có thể gây sốc cho khán giả từ mùa này sang mùa khác. Tính thẩm mỹ của thương hiệu Marc Jacobs là sự kết hợp giữa tinh thần nổi loạn và sự trẻ trung bất tận, là cái tôi không ngừng đổi mới để phá vỡ các quy tắc truyền thống trong hơn 35 năm.

Tuổi thơ của Jacobs không phải là một chuyến dã ngoại vui vẻ. Anh sinh ngày 9 tháng 4 năm 1963, tại New York. Năm 7 tuổi, cha của anh qua đời, đây được coi là sự kiện đau đớn đầu tiên Jacobs phải trải qua trong đời. Vì muốn mưu cầu hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, mẹ của Jacobs đã kết hôn ba lần và không còn dành sự quan tâm đúng mức đến đứa con trai đang tuổi lớn nữa. Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, Jacobs quyết định sống với bà ở Manhattan. Đây cũng là lúc niềm đam mê thời trang bắt đầu nhen nhóm trong lòng anh. Nhà thiết kế chia sẻ rằng, bà là người gần gũi với anh nhất, cũng là người có ảnh hưởng lớn đến cả cuộc đời anh. Bà truyền cho anh niềm yêu thích đối với những thứ đẹp đẽ và dạy anh đan. Sau này, chính nhờ những chiếc "áo len nhàu nhĩ" khác thường mà Jacobs mới thành danh trong giới thời trang.

Người bà yêu quý ủng hộ mọi việc mà cháu trai muốn làm, kể cả việc cậu muốn thi vào Trường Thiết kế Parsons. Năm 1984, Jacobs nhận được Giải thưởng Gold Thimble danh giá của Pháp và Giải thưởng Thiết kế dành cho sinh viên của năm. Sau đó, Jacobs đã tạo ra và quảng bá thành công dòng áo len dệt tay đầu tiên của mình dưới nhãn hiệu The Sketchbook, Reuben Thomas, Inc.

Những năm tháng sinh viên không thể thiếu những bữa tiệc trong các câu lạc bộ nhạc rock 'n' roll, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tầm nhìn của nhà thiết kế, và cả những cuộc gặp gỡ định mệnh. Khi làm việc bán thời gian tại cửa hàng quần áo tiên phong ở New York Charivari, Jacobs đã có cơ hội gặp nhà thiết kế nổi tiếng Perry Ellis.

Năm 1989, ba năm sau khi Ellis qua đời, Marc Jacobs được mời đảm nhận vị trí thiết kế trưởng tại Perry Ellis. Tất cả mọi người đều đặt niềm tin vào anh nhưng Jacobs lại không tin vào chính mình. Anh sợ rằng bản thân không thể đáp ứng được kỳ vọng cao của họ. Jacobs quyết định chiến đấu với mọi nỗi sợ hãi và nghi ngờ bằng rượu. Năm 1992, Jacobs đã phát hành bộ sưu tập grunge huyền thoại lấy cảm hứng từ bài hát “Smells Like Teen Spirit” của Nirvana. Những chiếc áo sơ mi kẻ sọc cũ kỹ, áo len nhăn nhúm và đôi bốt Dr. Martens to bản đã gây được ấn tượng mạnh với công chúng và báo giới. Thế nhưng các cổ đông của Perry Ellis lại không đánh giá cao phong cách mới này nên Jacobs bị sa thải.

May mắn thay, vụ "trục xuất" này không đủ sức hủy hoại sự nghiệp của Jacobs. Năm 1997, nhờ tài năng và sự kiên trì của doanh nhân người Pháp Bernard Arnault, Marc Jacobs đã trở thành giám đốc sáng tạo của nhà mốt Louis Vuitton. Tuy nhiên, trước khi chấp nhận lời đề nghị, Jacobs và đối tác Robert Duffy đã đưa ra điều kiện cho Arnault là LVMH phải đảm bảo sẽ luôn hỗ trợ cho thương hiệu Marc Jacobs. Ông lớn làng mốt đồng ý nhượng bộ và đã phân bổ 140.000 USD cho thương hiệu. Số tiền này đủ để mở một cửa hàng Marc Jacobs trên phố Mercer và một số buổi trình diễn thời trang.

Nhờ diện mạo mới mẻ của Jacobs, doanh số bán hàng của Louis Vuitton tăng gấp ba lần, nhưng trách nhiệm to lớn và nỗi sợ thất bại lại một lần nữa quay trở lại. Nhà thiết kế uống rượu, dùng cocaine để làm vơi đi những lo lắng.

Vào đầu những năm 2000, Jacobs lần đầu tiên đến một phòng khám phục hồi chức năng. Trở lại làm việc vào năm 2001, nhà thiết kế này đã nhận được bảy giải thưởng CDFA, bao gồm Nhà thiết kế trang phục nữ xuất sắc nhất, Nhà thiết kế trang phục nam xuất sắc nhất và Nhà thiết kế phụ kiện xuất sắc nhất. Trong suốt 16 năm làm việc của Jacobs tại nhà mốt Louis Vuitton, thương hiệu này đã mở hơn 60 cửa hàng trên khắp thế giới, cải thiện thu nhập, đồng thời có được một biểu tượng chữ lồng mang tính biểu tượng (dưới dạng hai chữ cái đầu tiên đan xen vào nhau trong tên thương hiệu), người tạo ra nó là Marc Jacobs.

Trong cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa thời trang xa xỉ và thời trang thường ngày, Jacobs đã chọn vế thứ hai. Năm 2013, nhà thiết kế rời Louis Vuitton để tập trung phát triển thương hiệu riêng. Ngày nay, quần áo của Marc Jacobs là một trong những món đồ đáng mơ ước nhất trong tủ quần áo.

Bạn sẽ không khó để tìm thấy một chiếc váy lộng lẫy xa hoa kết hợp với rung cảm đường phố trong bộ sưu tập của Marc Jacob. Ngay cả những chuyên gia thời trang lão luyện nhất cũng không thể đoán được nhà thiết kế tài năng sẽ trình làng những gì cho mùa mới. Dù sự nghiệp có nhiều thăng trầm, Marc Jacobs vẫn luôn đảm bảo giá trị cốt lõi trong thiết kế của mình là yếu tố bất ngờ và sự đổi mới toàn diện.

Minh Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/thoi-trang/marc-jacobs-tim-kiem-ve-dep-trong-nhung-dieu-ky-quac-khong-hoan-hao-202211030926413776.html