Marketing hiệu quả trong thời Gen Z

Gen Z ít kiên nhẫn hơn, muốn làm nhanh hơn và làm theo sở thích cá nhân. Cần thu hẹp khoảng cách giữa Gen Y và Gen Z, kết hợp lại và có sự tương tác thường xuyên, thấu hiểu từ hai phía.

Các kênh truyền thông số như bán hàng livestream, YouTube, TikTok, Facebook được khai thác triệt để, nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần dựa vào quy trình marketing bài bản, bắt đầu từ việc tìm hiểu nhu cầu và thấu hiểu khách hàng, sau đó đưa ra các giải pháp về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ phù hợp để làm hài lòng khách hàng.

Những con số của Việt Nam khiến các nước phải thèm thuồng

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa, chỉ còn 2% người Việt chịu bỏ 100.000 đồng cho một ly cà phê. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là Việt Nam vẫn có 60% dân số dưới độ tuổi 35 và thị trường vẫn còn tiềm năng.

Đặc biệt, với những công ty trong ngành hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh, trang thiết bị điện tử, F&B… vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, người Việt sẵn sàng bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua iPhone 16 vừa ra mắt, hoặc khi siêu thị Aeon khai trương, nhiều khách hàng vẫn xếp hàng để mua sushi. Những dấu hiệu này cho thấy giới trẻ còn rất năng động và nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo triển vọng người tiêu dùng toàn cầu của Công ty Nielsen, tinh thần khởi nghiệp của thế giới vẫn tăng cao, với 64% người được nghiên cứu đồng ý vẫn tích cực tham gia khởi nghiệp kinh doanh. Ở Việt Nam, những năm qua, chính phủ vẫn luôn khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp ở các bạn Gen Z là khá tốt nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số. Tuy nhiên, các bạn trẻ này mặc dù được trang bị kiến thức chuyên môn tốt từ nhà trường và các kênh học tập online, nhưng khi bước ra thương trường vẫn thiếu nhiều trải nghiệm và dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông mạng xã hội, thường chú trọng vào bề nổi hơn là chiến lược dài hạn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn và thường phá sản trong những năm đầu do thiếu tài chính và thị trường.

Đầu tư vào thương hiệu và niềm tin

Nói về bản chất marketing, doanh nghiệp cần chú trọng vào bản sắc thương hiệu, xây dựng giá trị thương hiệu, và tạo dựng niềm tin của sản phẩm - dịch vụ với khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp không chỉ phát triển trong ngày một ngày hai, mà cần phát triển bền vững. Do đó, không thể xem thường bất kỳ khâu nào trong marketing và cần quản trị toàn bộ quy trình marketing để tối đa hóa chuỗi giá trị.

Tại sao Thái Lan, Malaysia, Philippines có doanh nghiệp trăm tuổi trong khi Việt Nam vẫn chưa có? Một trong những yếu tố để phát triển bền vững chính là thương hiệu. Để duy trì sự phát triển lâu dài, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào bề nổi, mà cần xây dựng thương hiệu, giá trị thực sự, niềm tin thực sự và bản sắc đặc trưng. Khi có khủng hoảng kinh tế, khách hàng thường tìm đến những nhãn hàng, thương hiệu lớn vì họ đặt niềm tin vào đó. Điều lạ là trong khủng hoảng, nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm trung cấp (middle class), trong khi nhóm cao cấp (high class) đa phần vẫn có tích lũy và tài chính tốt, qua khủng hoảng vẫn tăng trưởng và tài sản vẫn gia tăng. Một nhóm nữa cần kể đến là nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán các sản phẩm, dịch vụ bình dân và thiết yếu như kinh doanh nước giải khát, cà phê vỉa hè, bán bún bò, hủ tiếu, bánh mì bằng xe đẩy… lại có cơ hội bán tốt hơn. Tuy nhiên, bộ phận này lại ít được quan tâm.

Tóm lại, dù doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp đã phát triển đều phải quay lại với giá trị thực sự mà khách hàng cần, đầu tư vào thương hiệu và niềm tin. Gen Z năng động và các doanh nghiệp khởi nghiệp, dù được sự hỗ trợ của công nghệ và tài chính là lợi thế, nhưng thiếu nền tảng về chiến lược marketing, bán hàng, chuỗi cung ứng, chăm sóc khách hàng… Đây là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần có năng lực chọn lọc và sử dụng dữ liệu

Trong giai đoạn này, liệu có cần làm chiến lược marketing hay không? Tôi cho rằng vẫn phải làm. Trước đây, các chiến lược marketing thường được xây dựng ngắn và trung hạn, từ 3-5 năm và từ đó đề ra các chiến lược 3-6 tháng hoặc thậm chí từng tháng. Đến nay, chiến lược này vẫn đúng, nhưng cần có tính thích nghi cao hơn và phải theo sát thị trường để điều chỉnh kịp thời các giải pháp.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào digital marketing, nhưng chi phí của các nhà cung cấp chắc chắn sẽ tăng lên. Không phải doanh nghiệp nào cũng phải nhất thiết sử dụng TikTok, YouTube, Facebook… mà cần phải chọn lựa công cụ phù hợp, phân biệt giữa “marketing mix” với “digital marketing communication mix”.

Khi nói đến marketing, nhiều người nghĩ ngay đến việc mở shop bán hàng trên TikTok, mở fanpage, kênh YouTube hay bán hàng livestream 24 tiếng. Thế nhưng đó không phải là marketing. Marketing bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng, hiểu nguồn lực của doanh nghiệp và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, sau đó phối hợp lại để cung cấp giải pháp bền vững, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và cho xã hội. Marketing là một quy trình có điểm bắt đầu và kết thúc, không thể đi tắt đón đầu được.

Ngoài marketing, con người cũng là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công. Hiện nay, theo nghiên cứu, Gen Z ít kiên nhẫn hơn, muốn làm nhanh hơn và làm theo sở thích cá nhân. Quản trị hiệu quả đội ngũ cũng là một vấn đề của doanh nghiệp. Cần thu hẹp khoảng cách giữa Gen Y và Gen Z, kết hợp lại và có sự tương tác thường xuyên, thấu hiểu từ hai phía. Doanh nghiệp cần bổ sung một số năng lực, hành vi phù hợp để sự phối hợp và hợp tác giữa các nhóm nhân viên khác biệt thế hệ được hiệu quả hơn. Các chương trình trao đổi học hỏi, các buổi ngoại khóa, team building cũng là các cách thức để mọi người hiểu nhau và hợp tác tốt hơn trong công việc.

Đối với doanh nghiệp, cần chú trọng làm một số việc:

Các chuyên gia đều khuyến khích, khi kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp cần tiếp tục chú trọng đầu tư marketing và đào tạo nhân viên. Để marketing hiệu quả, cần tìm hiểu nhu cầu khách hàng trong thời đại mới, chẳng hạn như các bà nội trợ đã không còn chuộng đi chợ mà mua trực tuyến, sinh viên hoặc nhân viên văn phòng không có thời gian đi siêu thị mà chỉ mua sắm qua các ứng dụng.

Doanh nghiệp cần áp dụng “Digital transformation” mạnh mẽ, cần phải thay đổi và tích cực ứng dụng các công cụ số hóa, AI vào trong các hoạt động marketing và xây dựng hệ sinh thái với dữ liệu.
Doanh nghiệp cũng cần phải hiểu về bản chất của marketing và xây dựng chiến lược bền vững, dựa trên các giá trị lâu dài của công ty và thương hiệu của mình.

(*) CEO Global Elite Consulting Corporation, Chủ tịch - CMO Worldwide Vietnam

Nguyễn Đăng Duy Nhất (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/marketing-hieu-qua-trong-thoi-gen-z-313934.html