Markus Wolf – Thiên tài tình báo của nước Cộng hòa dân chủ Đức

Ở tuổi 29, ông trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo Đông Đức và lãnh đạo tổ chức này suốt 33 năm - một trường hợp chưa từng có trong lịch sử ngành tình báo. Ở Liên Xô, ông được gọi là 'thống soái tình báo'.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Markus Wolf (1923-2023), một trong những sĩ quan tình báo sáng tạo và thận trọng nhất trong lịch sử, xin trân trọng giới thiệu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Xuất thân trong một gia đình Do thái

Markus Wolf là người đứng đầu thường trực của cơ quan tình báo Đông Đức, đồng minh tin cậy của Liên Xô. Trong thời gian hợp tác với Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, cơ quan tình báo này không hề thua kém CIA hay MI6. Nhiều thập kỷ qua, hậu trường chính trị châu Âu phụ thuộc vào hoạt động của Markus Wolf, nhà tình báo vĩ đại nhất thế kỷ XX. Nói cách khác, trình độ tình báo bậc thầy của ông đã giúp châu Âu giữ vững hòa bình.

Đại tướng tình báo Markus Wolf.

Đại tướng tình báo Markus Wolf.

Ở Liên Xô, nhà tình báo lão luyện Markus Wolf được biết đến với cái tên Misha Volkov. Trong 33 năm, con người kiệt xuất này đã dựng nên một trong những cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới - Cục tình báo “Stasi” của nước CHDC Đức. Quốc gia này xuất hiện ở vùng đóng chiếm của Liên Xô vào năm 1949, và hệ thống an ninh ở đó được xây dựng theo mô hình của Liên Xô. Moscow hy vọng sử dụng người Đức trong các hoạt động tình báo ở Tây Đức và châu Âu. Chàng trai Markus Wolf 29 tuổi bắt đầu lãnh đạo cơ quan tình báo Đông Đức vào năm 1952. Sau này, những kẻ đối lập gọi ông là “cơn ác mộng của NATO”, còn các nhà xuất bản Mỹ xuất bản cuốn sách của tác giả Noel Voropaev có nhan đề “Markus Wolf “Người đàn ông không lộ diện” ở Stasi”. Trong nhiều thập kỷ, các cơ quan tình báo phương Tây không nhận được một bức ảnh nào của nhân vật huyền thoại này.

Markus Wolf ra đời ở miền nam nước Đức, trong một gia đình Do Thái nghèo. Bố ông, Friedrich Wolf, là nhà văn nổi tiếng và là người phản đối chế độ Đức Quốc xã, trong các cuốn sách và bài phát biểu của mình, ông kêu gọi đồng bào đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, bố mẹ ông đi lang thang khắp châu Âu một thời gian, cuối cùng, họ đến Liên Xô. Là một học sinh xuất sắc, Markus Wolf vào học Trường hàng không danh tiếng nhất thủ đô Moscow lúc bấy giờ mà không cần thi cử. Chiến tranh bùng nổ, ông được vào học trường của Quốc tế Cộng sản (Comintern) ở Bashkiria, nơi đào tạo các cán bộ tình báo mật. Sau chiến tranh, cả gia đình trở về CHDC Đức. Chính ở đó, Markus Wolf đã thành lập cơ quan tình báo đối ngoại. Rất nhiều nhân viên của nhà lãnh đạo trẻ đã làm việc khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, CHLB Đức và NATO được chú ý nhiều nhất. Hơn một nghìn nhân viên tình báo của CHDC Đức đã xâm nhập vào Tây Đức theo sáng kiến của Markus Wolf. Điệp viên của ông có mặt khắp nơi. Không có bộ, tổng cục, văn phòng nào của Thủ tướng Liên bang Đức hay cơ quan tình báo mà không có điệp viên Đông Đức làm việc.

Gabriele Gast, điệp viên hai mang của tình báo Đông Đức.

Gabriele Gast, điệp viên hai mang của tình báo Đông Đức.

Các phương pháp thu thập thông tin của ông rất đa dạng. Tuyển mộ những người nắm giữ bí mật trên bất kỳ cơ sở nào - hệ tư tưởng, chính trị và thường là hoàn toàn tự nguyện. Ngoài ra, còn có một đội ngũ nhân viên tóc vàng mắt xanh mà Markus Wolf gọi là “Romeo”. Nhiệm vụ của những chàng trai trẻ và đẹp này là quyến rũ vợ của các chính trị gia phương Tây nổi tiếng, những nữ thư ký ở các “cơ quan nhạy cảm”, và tất cả những ai sẵn sàng làm việc vì an ninh của CHDC Đức và các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa phía Đông.

Khúc xương trong cổ họng Phương tây

Như chúng ta biết, ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mỹ bắt đầu chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Lần này - chống lại Moscow và các đồng minh trong khối xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Mỹ không có thông tin gì về nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng của các đối thủ tương lai. Hy vọng vào sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Tây Đức, giám đốc CIA đã quyết định tung các điệp viên mật đến các nước xã hội chủ nghĩa. Họ được đào tạo tại trung tâm tình báo Mỹ ở CHLB Đức, rồi từ đó với sự hỗ trợ của không quân Mỹ họ bay đến và nhảy dù xuống lãnh thổ các nước xã hội chủ nghĩa. Những tên gián điệp này tham gia sát hại các lãnh đạo đảng, thu thập thông tin về vị trí của các đơn vị quân đội và các khu công nghiệp, thành lập các nhóm “bất mãn” với chế độ để tổ chức gây rối, tung tin đồn làm mất uy tín của chính quyền, đánh cắp tài liệu mật của các cơ quan chính phủ và đánh bom các khu công nghiệp. Nhưng niềm vui của Dulles, giám đốc CIA lúc bấy giờ, không kéo dài được bao lâu.

Đến năm 1954, trên lãnh thổ Liên Xô, hàng chục “lính nhảy dù” đã bị vô hiệu hóa. Thất bại của Mỹ diễn ra đúng vào thời điểm Markus Wolf trở thành giám đốc cơ quan tình báo ở CHDC Đức. Điều này thật dễ hiểu: như đã đề cập ở trên, Markus Wolf đã cài cắm mạng lưới điệp viên của mình vào các cơ quan của CHLB Đức. Horst Hesse, một người Đức làm việc cho tình báo Mỹ chạy từ Tây Đức sang Đông Đức, đã cung cấp các tài liệu của Trung tâm tình báo quân sự Mỹ ở Wursburg, trên cơ sở đó, 137 điệp viên đã bị bắt ở CHDC Đức, đồng thời các cơ quan phản gián của Liên Xô, Séc và Ba Lan đã bắt được rất nhiều điệp viên. Tại hội nghị của Bộ An ninh CHDC Đức, kẻ đào tẩu nói rằng anh ta được Markus Wolf cài cắm vào các cơ quan tình báo Mỹ.

Gabriele Gast, điệp viên hai mang của tình báo Đông Đức.

Gabriele Gast, điệp viên hai mang của tình báo Đông Đức.

Sau sự kiện đó, Thủ tướng Đức Konrad Adenauer buộc phải chấm dứt các hoạt động nhảy dù và tuyên bố người đứng đầu Tổng cục Tình báo Đông Đức là “kẻ thù riêng” của ông. Markus Wolf coi lời buộc tội đó là một sự biểu dương. Chiến dịch này đã mang lại cho nhà tình báo Markus Wolf quân hàm cấp tướng.

Sự hợp tác giữa Tổng cục tình báo CHDC Đức và KGB đạt đỉnh cao vào những năm 1970-1972, khi chuẩn bị Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu ở Helsinki. Nhờ thông tin bí mật do các nhân viên tình báo cung cấp về quan điểm của Mỹ và CHLB Đức, các nước thuộc Hiệp ước Warsaw đã bảo vệ được lợi ích của mình. Ngoài ra, các tài liệu “Đặc biệt quan trọng” về những bất đồng trong khối NATO đã bị rò rỉ, và chủ tịch Ủy ban An ninh Liên Xô Yury Andropov đã nhanh chóng được thông báo về việc này. Nhờ sử dụng các thông tin cực kỳ có giá trị, Liên Xô đã thuyết phục được Hoa Kỳ ký các hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí chiến lược vào năm 1972. Một trong những đối tác mạnh nhất của Markus Wolf ở Đức là Gabriele Gast, cựu điệp viên hai mang và gián điệp Đông Đức, người đã cung cấp cho Tổng cục Tình báo nước CHDC Đức và KGB những thông tin quan trọng đến mức cho đến nay vẫn chưa được giải mật.

Cựu Thủ tướng Đức Konrad Adenauer.

Cựu Thủ tướng Đức Konrad Adenauer.

Gorbachyov không hồi âm

Năm 1983, ở tuổi 60, đại tướng tình báo Markus Wolf xin nghỉ hưu. Yêu cầu của ông đã được chấp thuận, nhưng quá trình này kéo dài suốt ba năm. Thực ra, ông chỉ ngừng làm việc vào năm 1986, khi công cuộc cải tổ của Mikhail Gorbachyov đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp đất nước. Markus Wolf không có bất kỳ hy vọng nào vào Tổng bí thư mới của Đảng Cộng sản Liên Xô. Là một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm, rất am hiểu nền chính trị lớn, ông lường trước mọi việc sẽ diễn ra như thế nào. Ông viết cho Gorbachyov rằng dù có thay đổi gì xảy ra trong hệ thống chính trị thì cũng không thể bỏ rơi các đồng minh đáng tin cậy của Moscow. Nhưng bức thư của ông không có hồi âm.

Quả thật, tình báo Liên Xô không có đồng minh và chiến hữu nào tin cậy hơn Markus Wolf và những người bạn của ông. Trong 33 năm vị tướng này đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của CHDC Đức, sự hợp tác với Liên Xô diễn ra vô cùng chặt chẽ. Khoảng 80% các thông tin tình báo bí mật mà Điện Kremlin nhận được về NATO và các quốc gia khác đều do người của Markus Wolf cung cấp. Hầu như tất cả các vụ trao đổi điệp viên bí mật bị bắt của Liên Xô với gián điệp phương Tây không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của các nhà lãnh đạo của cơ quan tình báo đối ngoại CHDC Đức.

Tháng 5/1990, người của CIA đến gặp Markus Wolf đề nghị hợp tác. Nhưng nhà tình báo đã nghỉ hưu không phản bội những quan điểm của mình, cũng như các cộng sự của mình. Nhận thấy rằng sau khi nước Đức thống nhất, các đối thủ sẽ không cho phép ông sống yên ổn, sau khi bị Áo từ chối tị nạn chính trị, Markus Wolf quyết định chuyển đến Liên Xô. Nhưng lúc bấy giờ, Boris Yeltsin cùng với bộ sậu đã bán hết mọi thứ cho phương Tây: danh dự, lương tâm và bí mật nhà nước. Ở lại Moscow lúc này là không thể.

Bìa cuốn “Những người bạn không chết” của Markus Wolf.

Bìa cuốn “Những người bạn không chết” của Markus Wolf.

Mùa thu năm 1991, Markus Wolf trở lại Đức, và ngay lập tức bị bắt, nhưng sau đó ông được tạm thả dưới hình thức nộp tiền bảo lãnh. Năm 1993, ông nhận bản án 6 năm tù, nhưng bản án sớm bị hủy bỏ do có phán quyết của tòa án, theo đó các sĩ quan tình báo CHDC Đức được miễn truy tố.

Nhiều cơ quan tình báo tìm mọi cách để lôi kéo Markus Wolf, nhưng không thành. Là người đứng đầu cơ quan tình báo CHDC Đức ông không tố giác bất kỳ cấp dưới nào của mình, và các thuộc hạ của ông cũng không phản bội người lãnh đạo cũ của họ. Có một sĩ quan tình báo bị giam trong nhà tù của Mỹ vì tội làm gián điệp, đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của các phóng viên: “Hãy nói với Wolf rằng chúng tôi không hối tiếc bất cứ điều gì”.

Là con người đa tài ở nhiều lĩnh vực, trong những năm cuối đời, Markus Wolf viết sách. Những cuốn sách của ông đầu tiên chỉ viết về hoạt động tình báo, sau đó là về cuộc sống, rất được ưa chuộng, trở thành sách bán chạy và được xuất bản trên toàn thế giới. Một trong những cuốn sách của ông viết về các đồng nghiệp và cộng sự có tên là “Những người bạn không chết”.

Trần Đình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/markus-wolf--thien-tai-tinh-bao-cua-nuoc-cong-hoa-dan-chu-duc-i709962/