Maroc khai thác tiềm năng trở thành cửa ngõ thương mại ở châu Phi

Thành phố nhỏ Dakhla (Maroc) nằm trên vùng biển Đại Tây Dương, hiện đang xây dựng siêu dự án trị giá 1,2 tỷ USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Siêu dự án trị giá 1,2 tỷ USD

Theo hãng CNN, lướt sóng là một môn thể thao phổ biến trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có bờ biển. Đối với những người yêu thích lướt ván buồm, thành phố Dakhla là một lựa chọn tuyệt vời dành cho khách du lịch đam mê bộ môn này.

Cảnh thương mại Dakhla dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Ảnh: CNN

Cảnh thương mại Dakhla dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Ảnh: CNN

Maroc từ lâu đã thu hút rất nhiều khách du lịch đam mê bộ môn lướt sóng khi thành phố nhỏ Dakhla là điểm đến lướt sóng nổi tiếng của quốc gia này.

Dakhla nằm ở phía nam Maroc, nổi tiếng với những bãi biển đẹp và nhiều hoạt động thú vị. Thành phố nằm trên một dải cát dài giữa Đại Tây Dương và đầm phá nước mặn. Gió thổi ổn định khiến thành phố này trở thành điểm nóng cho những người đam mê lướt sóng.

Trong thời gian gần đây, một cảng thương mại mới, hiện đã xây dựng được nửa chặng đường, có thể đưa khu vực này trở thành cửa ngõ thương mại trong thời gian tới.

Siêu dự án trị giá 1,2 tỷ USD dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Trải rộng trên 1.650 ha, khu phức hợp này sẽ bao gồm cảng thương mại, cảng cá và nhà máy đóng tàu.

Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến cảng Dakhla sẽ xử lý 35 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trên khắp lục địa châu Phi, các hệ thống giao thông tiên tiến, hoạt động viễn thông và thành phố thông minh sẽ được phát triển để thúc đẩy nền kinh tế và tăng cơ hội thương mại.

Bên cạnh đó, dự án cũng triển khai xây dựng thêm một cây cầu nối cảng với đất liền và một con đường dài 7 km nối cảng với quốc lộ chạy dọc theo bờ biển đến tận phía bắc Tangier và xa về phía nam tới biên giới với Mauritania.

"Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái mới," Nisrine Iouzzi, Giám đốc xây dựng Cảng Dakhla nói.

Bà Nisrine Iouzzi cho biết cảng Dakhla không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Maroc mà còn có thể giúp nước này trở thành trung tâm hàng hải cho thương mại toàn cầu, kết nối các khu vực như Tây Phi, Trung Đông, Châu Âu, Bắc Mỹ, Quần đảo Canary và thậm chí cả Nam Mỹ.

"Vị trí địa lý là yếu tố then chốt cho sự thành công của cảng và dự án đã thu hút nguồn đầu tư nước ngoài đáng kể, bao gồm cả từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất", bà Nisrine Iouzzi nói thêm.

"Cửa ngõ" vào châu Phi

Cảng hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Ảnh: CNN

Cảng hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Ảnh: CNN

Dự án cảng Dakhla là một phần trong chiến lược cảng quốc gia của Maroc nhằm hiện đại hóa và tăng cường cơ sở hạ tầng cảng vào năm 2030 đồng thời nâng cao vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các cảng biển như Casablanca, Tanger-Med và Agadir đã hoặc đang được nâng cấp, nhưng bởi vị trí chiến lược, cảng Dakhla cũng được coi là đặc biệt quan trọng trong việc mở ra các khu vực khác của lục địa châu Phi để thúc đẩy giao thương.

"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng với cơ sở hạ tầng - bao gồm cảng, đường bộ và năng lượng tái tạo – sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp cận một trong những thị trường phát triển nhanh nhất, đó là thị trường Tây Phi", ông Mounir Houari, Tổng giám đốc Trung tâm Đầu tư Khu vực tại Dakhla nhấn mạnh.

Thông qua hiệp định thương mại tự do lục địa của Châu Phi nhằm tạo ra một thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ, cảng cũng khuyến khích chế biến nguyên liệu thô trong lục địa.

"Châu Phi không có đủ cơ sở hạ tầng công nghiệp và hạ tầng xuất khẩu. Cảng Dakhla sẽ mang đến cơ sở hạ tầng công nghiệp, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đất nước nói chung và châu Phi nói riêng", ông Houari cho biết.

Khu vực Sahel dự kiến sẽ được hưởng lợi từ cảng Dakhla. Ông Houari giải thích rằng Maroc đã cung cấp cho khu vực khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng đường bộ và cảng mở ra "cánh cửa cho thương mại hàng hải Đại Tây Dương".

Trong khi đó, Turloch Mooney, người đứng đầu bộ phận phân tích và tình báo cảng tại công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence nhấn mạnh quá trình phát triển cảng Dakhla có thể mang lại lợi ích lớn cho khu vực.

"Cơ sở hạ tầng thương mại và cảng hiện đại đang phát triển ở Tây Sahara, nơi có tiềm năng hỗ trợ vùng nội địa rộng lớn ở Tây Phi và khu vực Sahel hiện đang phát triển tích cực. Cơ sở hạ tầng cảng chất lượng và hoạt động cảng hiệu quả là tiềm năng lớn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và là yếu tố then chốt trong chiến lược tăng trưởng thành công của nhiều nước đang phát triển", ông Turloch Mooney nhấn mạnh.

Ông Turloch Mooney cũng cảnh báo rằng chỉ riêng cơ sở hạ tầng sẽ không thể thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực. Do đó, khi cảng Dakhla đi vào hoạt động sẽ cần đến quá trình quản trị tốt, kết nối giao thông đáng tin cậy và sự ổn định chính trị./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/maroc-khai-thac-tiem-nang-tro-thanh-cua-ngo-thuong-mai-o-chau-phi-20240529152413021.htm