Marsha Anne Gomez: Người tạc tượng công lý và tôn vinh di sản bản địa
Marsha Anne Gomez (24/12/1951 - 1998) là một nhà điêu khắc, giáo viên nghệ thuật và nhà hoạt động xã hội người Mỹ.
Bà nổi tiếng với loạt tác phẩm "Madre del mundo" (Người mẹ của thế giới), miêu tả một người phụ nữ bản địa đang ôm một quả địa cầu trên đùi, với thông điệp tôn vinh người mẹ, và kêu gọi chống lại bạo lực bằng bom đạn. Bà tôn vinh di sản văn hóa của mình thông qua nghệ thuật và niềm đam mê giúp đỡ những người Mỹ bản địa.
Marsha Gomez sinh ra và lớn lên tại bang Louisiana, Mỹ, và là chị cả trong một gia đình có năm anh chị em. Mẹ của bà, Anna Lula Gomez, là người gốc Cajun và Choctaw, còn cha bà là một doanh nhân được coi trọng trong cộng đồng nhà thờ nơi bà ở.
Hai người đã trở thành nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho nhà điêu khắc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cử nhân giáo dục nghệ thuật tại Đại học Arkansas năm 1981, bà chuyển tới thành phố Austin, bang Texas, và trở thành một giáo viên kiêm nhà điêu khắc có tiếng.
Bà còn là giảng viên trong chương trình Nghệ sĩ trong Giáo dục, được thành phố Austin và Ủy ban Nghệ thuật Texas tài trợ.
Năm 1983, bà là một trong những người sáng lập Mạng lưới Phụ nữ Bản địa, sau đó mạng lưới được mở rộng quy mô để bao gồm và đại diện cho phụ nữ từ nhiều quốc gia.
Bà còn thành lập Artistas Indigenas (một tổ chức nghệ thuật của phụ nữ bản địa Mỹ, có trụ sở chính ở thành phố Austin) năm 1983, Quỹ Xã hội Từ bi năm 1986, Trung tâm Thay đổi Xã hội Alma de Mujer năm 1994,…
Năm 1987, Marsha được Genevieve Vaughan giao nhiệm vụ tạo ra một tác phẩm điêu khắc với kích thước thật, có tên gọi Madre Del Mundo (Người mẹ của Thế giới) cho cuộc biểu tình Ngày của Mẹ năm 1988 ngay bên ngoài một địa điểm thử hạt nhân ở Quận Nye, Nevada.
Tác phẩm điêu khắc mô tả một người phụ nữ bản địa đang ôm một quả địa cầu trên đùi, với thông điệp tôn vinh người mẹ, và kêu gọi chống lại bạo lực bằng bom đạn. Tác phẩm đã được ca ngợi là "biểu tượng của chủ nghĩa sinh thái nữ quyền", và được sao chép, đặt bản sao tại một số địa điểm được quy hoạch trên khắp nước Mỹ.
Các tác phẩm của bà đều bắt nguồn từ di sản văn hóa bản địa, và thường phản ánh các chủ đề chủ quyền bản địa, lòng tôn kính Trái đất, và vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc quản lý, bảo vệ môi trường.
Bà làm việc với nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm đồ gốm, đồng, đá cẩm thạch và đá đúc, lấy cảm hứng từ phong cách đồ gốm của New Mexico và Oaxaca.
Nữ nghệ nhân qua đời năm 1998 sau khi bị sát hại bởi người con trai mắc chứng tâm thần phân liệt. Đám tang của bà có sự tham dự của nhiều người đưa tang từ Mexico, Canada và nhiều vùng khác của Hoa Kỳ - một bằng chứng cho sức ảnh hưởng không thể chối cãi của bà với thế giới.
Di sản của Marsha Gomez vẫn tồn tại thông qua những tác phẩm nghệ thuật của bà và các tổ chức mà bà đã giúp thành lập, tiếp tục truyền cảm hứng cho các phong trào đòi quyền cho người bản địa, công lý môi trường và trao quyền cho phụ nữ.