Masan chi 15 triệu USD mua 20% vốn chuỗi trà sữa Phúc Long
Thương vụ này nằm trong kế hoạch phát triển mô hình Kiosk Phúc Long để bán các sản phẩm đồ uống của chuỗi trà sữa này tại hệ thống cửa hàng VinMart+.
Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) cho biết Công ty TNHH The Sherpa - một công ty thành viên của tập đoàn - đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty CP Phúc Long Heritage – chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Thương vụ trên có giá trị 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chủ chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng.
Cùng với giao dịch mua lại vốn này, VinCommerce (công ty thành viên của Masan) cũng thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long”. Chiến lược này sẽ mang các sản phẩm đồ uống của Phúc Long bán tại hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên cả nước.
Chiến lược kể trên ngoài kỳ vọng giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm đồ uống của Phúc Long thông qua kênh bán lẻ của VinMart+, còn mang kỳ vọng thu hút thêm khách hàng trẻ tuổi tới các chuỗi bán lẻ này.
Hiện nay, tổng lượng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam vào khoảng là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm.
Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng)…
Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, lãnh đạo Masan và Phúc Long tin rằng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Lãnh đạo Tập đoàn Masan cũng cho biết đã mở thử nghiệm 4 Kiosk Phúc Long tại TP.HCM trong 3 tháng qua và ghi nhận kết quả thành công. Vì vậy, hai bên dự kiến mở 1.000 Kiosk tương tự trong 18-24 tháng tiếp theo.
Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce cho biết việc phân phối các sản phẩm đồ uống của Phúc Long tại hơn 2.200 điểm bán của VinMart+ hiện tại và 10.000 điểm bán trong 5 năm tới sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận sản phẩm.
Ông Thắng cũng cho biết công ty có kế hoạch đưa chuỗi bán lẻ trà và café Phúc Long ra thị trường thế giới.
Theo thỏa thuận hai bên, các Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.
Chuỗi Phúc Long được thành lập năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng hiện là một trong những chuỗi trà và cà phê lớn nhất thị trường trong nước. Thương hiệu này sở hữu khoảng 80 cửa hàng trên cả nước, tập trung chính tại TP HCM và Hà Nội.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố năm 2019, chuỗi trà và cà phê này ghi nhận 779 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu của chuỗi cũng đều ở mức hai chữ số, lần lượt đạt 39% và 25% vào cả năm 2018 và 2017.
Nếu so với các chuỗi cà phê lớn trên thị trường hiện nay, Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee về mặt doanh thu (doanh thu Highlands Coffee đạt 2.199 tỷ năm 2019) và tương đương Starbucks (783 tỷ) hay The Coffee House (863 tỷ).
Tuy vậy, tương tự nhiều chuỗi trà và cà phê trên thị trường, thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế của chuỗi Phúc Long chỉ đạt vài tỷ đồng/năm. Năm 2019, chuỗi này chỉ ghi nhận 20 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi các năm trước đó con số chỉ dao động trong khoảng 2-4 tỷ đồng.