Masan lên kế hoạch huy động 8.000 tỉ đồng trái phiêúMasan lên kế hoạch huy động 8.000 tỉ đồng trái phiếu

Masan tiếp tục lên kế hoạch huy động lượng vốn 'khủng' sau đợt huy động 10.000 tỉ đồng kết thúc hồi tháng 6 vừa qua. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chào bán trái phiếu trong hai đợt phát hành, tối đa là 8.000 tỉ đồng. Hơn một nửa số tiền thu về dự kiến dùng để trả nợ vay cho công ty con là Vincommerce và góp thêm vốn điều lệ cho The Sherpa.

 Vincommerce đóng góp 45% doanh thu của Masan trong nửa đầu năm. Hình: MSN.

Vincommerce đóng góp 45% doanh thu của Masan trong nửa đầu năm. Hình: MSN.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã niêm yết MSN) công bố kế hoạch chào bán trái phiếu trong thời gian tới. Theo đó, trái phiếu chào bán được chia làm hai phương án là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ, mỗi đợt trị giá tối đa 4.000 tỉ đồng.

Trái phiếu phát hành theo phương án phát hành riêng lẻ dự kiến thực hiện từ quí 3 năm nay, mục đích tăng quy mô vốn hoạt động và dự án đầu tư.

Đây là nhóm trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm tài sản, có kỳ hạn 3 năm và trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất cho 2 kỳ đầu tiên là cố định 10%/năm, các kỳ tiếp theo được xác định bằng tổng của lãi suất tham chiếu và biên độ 4%/năm.

Còn trái phiếu phát hành theo phương án phát hành ra công chúng dự kiến thực hiện từ quí 4, được chia thành 9 đợt. Số tiền thu về thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và tăng vốn cho Công ty con là Công ty TNHH The Sherpa (tăng vốn điều lệ từ 517 tỉ đồng lên 1.517 tỉ đồng).

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm tài sản, có kỳ hạn 3 năm và trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất phát hành sẽ khác nhau tùy theo kế hoạch sử dụng vốn mỗi đợt và thời gian chào bán, nhưng các kỳ sau đó sẽ thả nổi (biên độ 4%/năm cộng thêm lãi suất tham chiếu).

Trước đó vào tháng 6, Masan cũng vừa hoàn tất đợt huy động với tổng trị giá 10.000 tỉ đồng, được chia làm 4 đợt. Số tiền huy động khi đó được dùng để tăng vốn cho các công ty con như Công ty Tầm nhìn Masan, khoản vay cho Masan Consumer Holdings và tăng đầu tư cho nhà máy thịt ở Hà Nam, thanh toán nợ vay nội bộ cho mảng khoáng sản Núi Pháo.

Trong đợt huy động vốn trái phiếu lần nay, Masan cũng tập trung nhiều vào mảng mới hợp nhất là bán lẻ. Đáng chú ý là vào tháng 6, Masan đã thành lập Công ty TNHH The Sherpa và Công ty cổ phần The CrownX (TCX), nhằm hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa Vincomerce (VCM) và Masan Cosumer Holdings (MCH).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 2, tính đến cuối tháng 6 thì The Sherpa là công ty con trực tiếp (Masan sở hữu 99,9% lợi ích kinh tế), còn The CrownX là công ty con gián tiếp (sở hữu 82,6% lợi ích kinh tế).

Cuối tháng 7 vừa qua, Masan thông báo đã chi 862 triệu đô la để mua thêm 12,6% cổ phần, qua đó đã sở hữu 82,6% cổ phần CrownX (TCX).

Doanh số của TCX cũng lần đầu được công bố, với mức doanh thu 12.592 tỉ đồng trong quí 2 và 25.848 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, lần lượt tăng trưởng 20,5% và 26,8% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của TCX đạt 1.262 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020, tăng 58,3%.

Theo báo cáo hợp nhất, doanh thu thuần hợp nhất vào nửa đầu năm 2020 của Masan đạt 35.404 tỉ đồng, tăng 103,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng vọt là nhờ Masan ghi nhận khoản doanh thu từ việc hợp nhất Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM), chủ sở hữu của VinCommerce, đơn vị đang điều hành hệ thống siêu thị VinMart, siêu thị mini VinMart và VinEco. Theo đó, Vincommerce mang lại doanh thu 15.813 tỉ đồng cho Masan trong 6 tháng đầu năm, chiếm gần 45% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/307037/masan-len-ke-hoach-huy-dong-8000-ti-dong-trai-phieu.html