Mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ tăng trở lại?

Trong quý I vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang. Lãi suất cho vay cũng ở trạng thái ổn định, không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2020. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất nói chung năm 2021 dự báo sẽ xoay quanh mức cuối năm 2020.

Trong quý I/2021, mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang.

Trong quý I/2021, mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang.

Riêng mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy vào đầu năm 2021 và sẽ tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021.

Lãi suất tương đối ổn định trong quý đầu năm

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/3/2021, tăng trưởng cung tiền đạt 1,5% và tăng trưởng huy động vốn đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong quý I, với mức tăng 1,5% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,7% trong cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 2,3% cùng kỳ trong giai đoạn 2017 - 2019.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên. Từ đầu tháng 3/2021, lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động hầu như đi ngang trong quý I/2021, ở mức 3 – 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5 – 5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6 – 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay cũng ở trạng thái ổn định, không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2020.

Lãi suất huy động đã chạm đáy hồi đầu năm

Các chuyên gia của KBSV, chính sách tiền tệ sẽ tương đối thận trọng trong thời gian còn lại của năm 2021 trước áp lực lạm phát cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Các chuyên gia này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất điều hành trong năm 2021, sau 3 lần giảm vào 2020. Năm 2021, tăng trưởng cung tiền M2 sẽ tăng nhẹ so với năm 2020, dự kiến đạt 14% và nằm trong biên độ mà Ngân hàng Nhà nước duy trì từ năm 2018. “Mức tăng trưởng này được đánh giá là vừa đủ để có thể cung cấp một lượng tiền vào nền kinh tế (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng) và không tạo áp lực lên bong bóng giá tài sản” – chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV lưu ý, điểm bất lợi trong năm 2021 là công cụ bơm tiền đồng thông qua việc mua ngoại tệ bị hạn chế. Dòng tiền mới hỗ trợ thanh khoản thị trường được kỳ vọng đến từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), khi từ ngày 1/4/2021, KBNN tiến hành mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn mua lại bao gồm 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.

Chuyên gia của KBSV nhận định, mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy vào đầu năm 2021 và sẽ tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021. KBSV cũng đưa ra hai nguyên do để lý giải cho nhận định trên là: Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Tuy nhiên, điểm hỗ trợ thanh khoản trong ngân hàng trong giai đoạn đầu quý III thông qua 1 lượng lớn VND (ước tính 175.000 tỷ đồng) bơm vào thị trường trong trường hợp hợp đồng bán kỳ hạn ngoại tệ được các ngân hàng thương mại thực hiện. Do vậy, “mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 đến đầu quý III/2020 và nhưng có thể nhích tăng từ 30 - 50bps trong nửa sau quý III đến quý IV. Lãi suất cho vay nhìn chung sẽ vẫn ổn định” – chuyên gia KBSV nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia của VDSC cho rằng, các đợt tăng lãi suất huy động gần đây cho thấy lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy. Tuy nhiên, kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ.

Tín dụng sẽ phục hồi nhanh nửa cuối năm 2021

“Dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà hồi phục trong năm 2021, với mức tăng 12 – 14%. Tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh trong nửa cuối năm 2021, trong kịch bản vắc-xin được phân phối rộng trên nhiều quốc gia tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất hồi phục” – chuyên gia của KBSV dự báo.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-04-13/mat-bang-lai-suat-huy-dong-co-the-da-cham-day-va-se-tang-tro-lai-102433.aspx