Mặt biến dạng do trị rám má tại spa, thẩm mỹ viện tư
Bệnh nhân bị rám má từ 7 năm trước, nhưng lại chữa trị tại các spa, thẩm mỹ viện. Sau 7 năm, mặt bệnh nhân bị tổn thương nặng, sẹo trắng loang lổ nhìn như pháo hoa.
Ngày 10/10, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng khoa khoa Laser và săn sóc da (Bệnh viện Da liễu TƯ), cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.A.L. (47 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng do điều trị rám má tại spa.
Bệnh nhân cho biết, bị rám má từ 7 năm trước. Tuy nhiên, thay vì đến Bệnh viện, bệnh nhân lại chữa trị tại các spa, thẩm mỹ viện. Sau 7 năm, tình trạng nám má không đỡ, trái lại bệnh nhân còn bị tổn thương nặng, sẹo trắng loang lổ nhìn như pháo hoa. Nghe lời người nhà, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Da liễu TƯ thăm khám.
Theo bác sĩ Thành, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương ở mặt sau quá trình dài chữa rám má không đúng phương pháp khiến làn da bị tổn thương nặng nề (có sẹo, dát tăng hoặc giảm sắc tố, da xuất hiện hiện tượng "pháo hoa"). Hiện tại, bệnh nhân đang được tư vấn, điều trị tại BV.
Các trường hợp bị biến chứng như bệnh nhân L. không phải là hiếm. Theo thống kê, mỗi tháng, khoa Laser và săn sóc da tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân rám má đến để điều trị. Các bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ vị thành niên cho đến những người đã về hưu. Trong đó, nhiều trường hợp đã điều trị từ nơi khác nhưng không thành công.
Theo bác sĩ Thành, rám má là một hiện tượng tăng sắc tố da thường gặp và lành tính, với biểu hiện là các sắc tố màu nâu, nâu đen hay xanh đen. Vị trí rám má thường gặp là ở vùng hở như mặt, cổ, hai cẳng tay. Bệnh xuất hiện ở cả hai giới nhưng thường gặp phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, điều trị rám má cần kiên trì, thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng. Có thể là mỗi tháng cần tái khám 1-2 lần nên bệnh nhân cần kiên trì trong quá trình điều trị. Thậm chí, có trường hợp người bệnh phải điều trị nhiều liệu trình, kết hợp nhiều công nghệ thì làn da mới phục hồi được.