Mất của vì quá tin vào khóa!

Từ sau đại dịch COVID-19, tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến phức tạp với khá nhiều vụ 'đá nóng' xe gắn máy và đột nhập vào công ty, xí nghiệp, nhà dân để trộm tài sản có giá trị.

Thủ đoạn của kẻ trộm chuyên nghiệp ngày càng tinh vi. "Trộm nghiệp dư" cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Với "bộ đồ nghề" gồm kích thủy lực, kềm cộng lực, đèn khò, khóa vạn năng, đoản… chúng có thể vô hiệu hóa bất cứ loại khóa nào.

Camera ghi lại hình ảnh hai tên trộm đột nhập ở Bình Dương.

Camera ghi lại hình ảnh hai tên trộm đột nhập ở Bình Dương.

"Đá nóng" xe gắn máy là loại trộm phổ biến hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân là do người dân còn quá chủ quan khi để xe gắn máy trước sân nhà, cửa phòng trọ, vỉa hè… mà không có người trông coi.

Trong khi đó với "bộ đồ nghề", trộm có thể mở khóa trong vòng vài giây. Các loại xe có khóa từ cũng chẳng ăn thua, trộm mở được tất. Xe có cài thiết bị chống trộm (xe không nổ máy hoặc bật công tắc sẽ hú còi) trộm cũng lấy nốt, sau đó đẩy đi. Để phòng bị mất xe, cách hữu hiệu nhất vẫn là phải có người trông coi hoặc dẫn xe vào nhà và chốt cửa phía bên trong.

Trộm nhập nha được chia thành 2 "trường phái". Trộm tài sản là vòng vàng, tiền bạc (chủ yếu để trong két sắt); kẻ trộm điều nghiên rất kỹ, theo dõi chi li từng giờ giấc sinh hoạt cũng như thói quen của gia chủ nên chỉ cần sơ hở là gặp họa ngay.

Đáng lưu ý, loại trộm này đa phần là người quen, biết gia chủ là người giàu có, thường chọn đột nhập vào nhà không có người giữ dù có khóa bao nhiêu lớp cửa đi nữa. Nếu không thể đột nhập vào cửa chính (do có người qua lại) thì trộm có thể đột nhập từ lỗ thông gió, trổ mái tôn nhưng phổ biến nhất là từ cửa sổ. Nếu gia chủ thường xuyên vắng nhà vào thời điểm cố định nào đó trong ngày thì khả năng bị trộm đột nhập rất cao.

Để xác định gia chủ vắng nhà, trộm thường xuyên qua lại quan sát. Nếu thấy vào ban đêm nhà vẫn không mở đèn chứng tỏ gia chủ không có nhà. Hay chúng giả vờ nhét tờ rơi vào khóa cửa cổng, cửa chính của căn nhà, nếu đến nửa đêm mà tờ rơi vẫn còn nguyên thì khả năng gia chủ không có nhà. Để phòng trộm dạng này, khi đi chơi xa, gia chủ nên nhờ người thân (hay thuê dịch vụ bảo vệ) trông giữ. Mặt khác, người dân không nên để tiền, vàng trong két sắt vì khi đột nhập kẻ trộm luôn tìm đến két sắt.

Gia đình chị C.T.T (huyện Phú Giáo), chỉ vắng nhà trong thời gian ngắn đã bị 4 kẻ trộm đột nhập phá két sắt lấy 300 triệu đồng và số vàng trị giá gần 400 triệu đồng. Băng trộm này sau đó bị bắt do hai vợ chồng Võ Văn Tâm và Võ Thị Thùy Trang cầm đầu, đã thực hiện hơn 10 vụ trộm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

"Trường phái" thứ 2 là trộm nhập nha lấy xe gắn máy. Trộm thường đột nhập là vào tầm từ 12h-13h, lúc mọi người đang ngủ trưa. Vì chủ quan, gia chủ để xe trước sân nhà hoặc phía trong nhà nhưng không khóa cửa, không người trông giữ nên trộm dễ dàng mở khóa cổng, khóa xe lấy cắp. Thời điểm thứ hai là từ 0h trở về sáng.

Mục tiêu của trộm là các căn hộ cho thuê, xe của người thuê để cùng một chỗ, chỉ có khóa cửa, không người trông coi hoặc gia chủ để xe dưới tầng trệt nhưng lại ngủ trên lầu. Kẽ hở của những căn hộ này là do có nhiều người ở, đi làm giờ giấc khác nhau nên mỗi người có 1 chìa khóa riêng để tự mở cửa nhà. Muốn vậy thì buộc phải chừa một khoảng trống ở cửa để thò tay vào mở khóa, chính lỗ trống này đã giúp trộm dễ dàng bẻ khóa. Mặt khác, khá nhiều nhà có cửa kính trong suốt, bên ngoài có thể nhìn vào thấy rõ xe để ở bên trong. Muốn phòng trộm dạng này phải che cửa kín đáo và bố trí người chốt, khóa phía bên trong trước khi đi ngủ.

Trộm cắp trong cơ quan, doanh nghiệp cũng là vấn đề cần cảnh báo. Kẻ trộm dạng này rất chuyên nghiệp, đột nhập vào trụ sở vào thời điểm nhân viên, người lao động đi ăn cơm trưa hoặc vào ban đêm khi nhân viên bảo vệ mệt mỏi, lơ là, mất cảnh giác. Ngoài ra, các đối tượng còn móc nối với người bên trong cơ quan nên rất dễ dàng trộm cắp tài sản.

Công an khuyến cáo lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp nhà trường cần bố trí bảo vệ 24/24h, trang bị camera có độ phân giải cao ở những nơi có khả năng xảy ra trộm để có chứng cứ hỗ trợ cơ quan Công an trong quá trình điều tra. Tiếp nữa là quản lý chặt chẽ cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc để tránh câu kết với bên ngoài; cần chú ý đến những nhân viên đã nghỉ hoặc bị đuổi việc bất ngờ quay lại công ty.

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo, người dân cần trang bị thêm hệ thống chống trộm cho xe gắn máy như khóa bánh, khóa càng, khóa điện tử, tuy nhiên vẫn phải để xe nơi dễ quan sát, có người trông coi.

Thực tế, dù có người trông giữ nhưng nếu xe không khóa cẩn thận thì trộm cũng có thế dàn cảnh hỏi đường, va chạm xe làm người trông giữ mất cảnh giác để đồng bọn "đá nóng". Các hộ gia đình cần trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động để quan sát, phát hiện từ xa; không để tiền mặt, tài sản có giá trị cao như vàng bạc, đá quý… trong nhà; không chia sẻ thông tin, hình ảnh về kiến trúc nhà cửa, gia đình đi du lịch, đi chơi lễ, Tết… trên mạng xã hội.

Khi phát hiện kẻ trộm vào nhà, chủ nhà cần bình tĩnh xử lý để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, sau đó cấp báo cơ quan Công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ. Không nên vội vàng hô hoán, truy bắt đối tượng có thể nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng vì hầu hết các đối tượng trộm đều mang theo hung khí để chống trả người truy bắt.

Mã Hải

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/mat-cua-vi-qua-tin-vao-khoa--i666196/