Mất dấu núm ruột, đứt gãy tình mẫu tử
Cơ quan thi hành án gặp khó vì người phải thi hành án không có mặt tại địa phương để thực hiện việc giao con.
Có những người mẹ dù được tòa tuyên trực tiếp nuôi con lại không được gặp con vì người cha đã dẫn con đi biệt tăm.
Tìm con trong vô vọng
Hơn một năm kể từ ngày bản án ly hôn có hiệu lực, chị OCL (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn ngày đêm mong mỏi được gặp con. Dù cơ quan thi hành án (THA) đã ra quyết định thi hành nhưng đến nay chị vẫn chưa được nhận con.
Theo chị L, chị và anh H cưới nhau vào đầu năm 2019, đến cuối năm thì cả hai có với nhau một bé trai là P. Trong quá trình chung sống cả hai xảy ra mâu thuẫn và không để hàn gắn được. Để tránh xung đột xảy ra, chị L đã chuyển ra ở riêng, bé P vẫn ở với anh H.
Đến cuối năm 2021, chị L đã nộp đơn ra tòa tranh chấp ly hôn và quyền nuôi con. Tháng 7-2021, TAND TP Thủ Đức tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn, giao bé P cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó, anh H kháng cáo. Đến tháng 2-2022, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tháng 3-2022, Chi cục THA dân sự TP Thủ Đức ra quyết định THA buộc anh H giao con cho chị L.
Đã có quyết định THA và dù chấp hành viên tổ chức phối hợp với UBND, Công an phường Hiệp Bình Chánh… trực tiếp xuống nhà anh H đang ở để THA nhưng anh H vẫn không thực hiện việc giao con.
Ngày 24-8-2022, chấp hành viên có biên bản xác minh điều kiện THA đối với anh H. Theo biên bản thì thời gian này, anh H cùng cha mẹ đã dẫn cháu P đi nơi khác, không còn sống tại địa chỉ đăng ký thường trú nữa.
“Đã nhiều tháng nay tôi không được gặp con, cũng không biết con tôi đang sống ở đâu, có khỏe mạnh hay không? Con là con chung, tôi mang nặng đẻ đau, thương nhớ con vô cùng sao lại chia cắt? Mong cơ quan chức năng có giải pháp mạnh để tôi sớm được nhận con” - chị L mong mỏi.
Theo tìm hiểu của PV, hiện việc THA đang được chấp hành viên Chi cục THA dân sự TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện giao con theo quy định.
Đang chờ giao con thì bị... mất dấu
Cũng đang chịu nỗi đau phải sống xa con, chị Trần Ngọc Hân (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang rất hoang mang vì cơ hội đoàn tụ với con là cả một đoạn đường phía trước.
Chị Hân kể: Năm 2018, chị và ông N cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Đến năm 2019, thấy chậm mang thai nên chị đã tìm đến một bệnh viện để thụ tinh trong ống nghiệm. Đến ngày 4-3-2020, chị sinh bé trai tên H. Từ lúc cưới đến lúc sinh con, chị ở với gia đình chồng tại phường 14, quận 3.
Sinh con được ba tháng, vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, sức khỏe của chị Hân sau sinh không tốt nên chị về nhà mẹ ruột ở quận Bình Thạnh, con chị vẫn ở với cha.
Cuối tháng 12-2021, chị Hân đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn và được cả hai tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận. Đồng thời, tòa án đã giao con cho chị là người trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại biên bản xác minh điều kiện THA ngày 13-12-2022, xác minh ông N và cháu H đang có địa chỉ thực tế cư trú tại đường Trường Sa, quận 3.
Trong lúc cơ quan THA đang trong quá trình giải quyết việc giao con thì VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu tạm đình chỉ THA đối với bản án trên.
Lý do kháng nghị, VKS cho rằng chị Hân đã tự ý trở về nhà mẹ ruột và bỏ lại con cho ông N nuôi dưỡng. Vì thế, việc giao con cho mẹ là chị Hân trực tiếp nuôi dưỡng, dù con dưới 36 tháng tuổi là chưa đủ cơ sở.
Chị Hân bức xúc: “Bản thân tôi không bao giờ có ý định bỏ con của mình nhưng vì sức khỏe sau sinh và một số yếu tố cản trở khác mà tôi không thể sống gần con. Đã gần ba năm nay, tôi luôn tìm mọi cách để đón con về chung sống nhưng không được, giờ bản án của tòa, niềm hy vọng cuối cùng để được giao con mà cũng bị hủy”.
Để nắm thêm thông tin vụ việc, PV đã đi cùng chị Hân đến địa chỉ nhà ở quận 3 mà trước đây gia đình ông N và cháu H sinh sống. Tuy nhiên, chúng tôi gọi cửa mãi không thấy ai trả lời.
Sau đó, chị Hân đã đến Hội Phụ nữ phường 14, quận 3 để nhờ hỗ trợ thăm con. Tại đây, một đại diện Hội Phụ nữ cho biết gia đình ông N và bé H đã chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng không rõ chuyển đi đâu.
“Bản án giao quyền nuôi con cho tôi đang được xem xét lại không có nghĩa là tôi bị mất luôn quyền làm mẹ. Giờ cha nó dẫn con đi mất dấu, tôi biết phải làm sao?” - chị Hân lo lắng.
Mức phạt người ngăn cản quyền thăm nom con chung
Theo quy định hiện hành (Điều 44 Luật THA dân sự, Nghị định 33/2020), trường hợp thay đổi địa chỉ cư trú được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và xác định được địa chỉ mới của họ thì căn cứ vào địa chỉ mới để ban hành quyết định THA. Trường hợp chưa xác định được địa chỉ của người phải THA thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA.
Trường hợp chứng minh việc chuyển đi của họ gây khó dễ cho việc thăm con thì hành vi này vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 82, Điều 83. Việc ngăn cản, gây khó khăn không cho cha, mẹ gặp con cũng được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình được nêu tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Ngoài ra, việc cố tình ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con chung còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021 với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Luật sư HÀ VĂN CHẢY, ĐoànLuật sư TP.HCM
MINH CHUNG ghi
Nguồn PLO: https://plo.vn/mat-dau-num-ruot-dut-gay-tinh-mau-tu-post726095.html