Mất điện diện rộng: Doanh nghiệp cung cấp điện có phải bồi thường cho khách hàng?
Việc Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc rơi vào tình trạng mất điện diện rộng đột ngột giữa thời tiết nóng bức đầu giờ chiều 4/7, đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân...
Ngày 5/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo sơ bộ về nguyên nhân vụ việc và kiểm tra, yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đánh giá, báo cáo về sự cố này.
Đảo lộn sinh hoạt
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 4/7/2022, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng cung cấp điện của một số khách hàng ở phía Bắc. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao, và một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn cung cấp điện một số khách hàng ở phía Bắc.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã tích cực phối với các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện khắc phục sự cố, khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất cho khách hàng. Tới 15 giờ ngày 4/7/2022, toàn bộ khách hàng bị gián đoạn cung cấp điện đã được khôi phục cung cấp điện, và hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định trở lại.
Ghi nhận chiều 4/7, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc rơi vào tình trạng mất điện diện rộng đột ngột giữa thời tiết nóng bức đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Sự cố điện áp tăng vọt xảy ra tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, huyện Hoài Đức… đã làm chập hệ thống điện tại một số cơ quan, đơn vị, nhà dân và gây những thiệt hại nhất định.
Trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân Hà Nội đã đăng tải thông tin về ảnh hưởng của sự cố. Tài khoản FB “Nguyễn Đức” cho biết, khi sự cố điện áp tăng xảy ra vào trưa 4/7, điện áp trong nhà tăng lên 265V khiến nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa... bị cháy hỏng.
Tài khoản FB “Toàn DV” chia sẻ, gia đình có trang bị biến áp nhưng sự cố bất ngờ làm biến áp sập, khi kiểm tra thấy điện áp lên gần 300V. Tài khoản Facebook chính thức của trường Đại học Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng) cũng thông báo: "Toàn trường mất điện do sự cố mất điện lưới của TP, thầy cô và các em thông cảm". Trong khi đó, tại tòa nhà Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), sự cố gây ảnh hưởng làm chập, hỏng hệ thống điều hòa trong gần 1 giờ đồng hồ.
Gần 14 giờ ngày 4/7, khi đang ngồi làm việc, một người dân ở chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) thấy toàn bộ hệ thống điện trong nhà tắt phụt. Di chuyển ra hành lang cũng thấy không gian tối om, thang máy không hoạt động. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm kể từ khi sinh sống tại đây người này gặp tình trạng cắt điện không báo trước.
“Thông thường khi có sự cố hoặc vấn đề nào đó, ban quản lý tòa nhà sẽ đọc loa thông báo tới cư dân. Tuy nhiên, hôm nay, trước và sau khi sự cố mất điện diễn ra, các cư dân đều không nhận được thông báo gì cả” - người dân này cho biết.
Một người dân cùng khu đã nháo nhào thu gom đồ có giá trị như điện thoại, máy tính, ví tiền rồi bế con nhỏ chạy một mạch ra hành lang sau khi thấy mất điện và hệ thống báo cháy kêu liên tục. Phát hiện thang máy ngừng hoạt động, một bà mẹ trẻ vội vã đưa con di chuyển xuống dưới sảnh bằng thang bộ.
Tương tự như các trường hợp trên, nhiều người dân tại các quận, huyện khác cũng gặp phải trường hợp “dở khóc, dở cười” như vậy trong tiết trời nóng bức. Sự cố mất điện bất ngờ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đặc biệt là cư dân sống ở chung cư khi không thể di chuyển bằng thang máy. Trong các hội nhóm cư dân trên mạng xã hội, nhiều người cho biết thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa… ở nhà họ bị chập cháy.
Cần làm rõ nguyên nhân sự cố
Theo đại diện EVN, việc mất điện là do sự cố trên lưới. Khi có thông tin, lực lượng công nhân kỹ thuật đã tập trung khắc phục, cấp điện trở lại cho người dùng. Về việc một số thiết bị điện bị chập cháy do điện áp tăng cao đột ngột, ngành Điện đã nắm được thông tin, đang xác minh và sẽ có thông tin sau.
Luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015, hệ thống tải điện được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ 2 trường hợp sau đây: Thứ nhất, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thứ hai, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng, trong trường hợp này cơ quan chức năng sẽ xác định việc tăng điện áp đột ngột là do nguyên nhân khách quan, hay chủ quan. Nếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan như điều kiện thời tiết, hệ thống điện quá tải... công ty điện lực sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho người dân bị hỏng thiết bị điện.
Còn nếu việc tăng điện áp đột ngột do nguyên nhân chủ quan đến từ cơ quan điện lực, cán bộ được phân công quản lý vận hành đã buông lỏng việc quản lý, vận hành, cẩu thả trong viêch thực hiện nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, vận hành hệ thống tải điện, cơ sở cấp điện... doanh nghiệp cung cấp điện năng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.
“Nếu người dân không đồng ý với kết quả giải quyết của công ty điện lực, hoặc cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu công ty điện lực bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật” - luật sư Hà Thị Khuyên nhấn mạnh.