Mát dịu dòng nước Biên phòng

PTĐT - Tiết trời đầu hạ, ánh mặt trời chiếu xuống như muốn nung chảy những dãy núi đá vôi nhọn hoắt tai mèo, báo hiệu một mùa nắng hạn khốc liệt sẽ đổ xuống vùng đất cỗi cằn của làng quê Tân Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Những người lính Đồn Biên phòng Làng Mô có công rất lớn trong việc mang đến nguồn nước sạch cho bà con vùng cao.

Những người lính Đồn Biên phòng Làng Mô có công rất lớn trong việc mang đến nguồn nước sạch cho bà con vùng cao.

Bao mùa mưa, bao mùa nắng trôi qua theo thời gian, người dân nơi này cứ canh cánh nỗi lo về nguồn nước sinh hoạt. Mùa nắng, sông, suối cạn nên phải đi xa mới lấy được nước, mùa mưa thì dòng nước đục ngầu không thể dùng được... Thế nhưng, nỗi lo toan ấy giờ đây đã lùi vào quá khứ bởi dòng nước trong mát từ tấm lòng của những người lính Đồn Biên phòng Làng Mô, Quảng Bình.

Tháng 6/1964, chấp hành Nghị quyết Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 1963-1973 của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về việc đẩy mạnh cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền Tây, hơn 30 hộ dân từ các xã vùng đồng bằng trong huyện Quảng Ninh đã “tiến quân” lên vùng núi thuộc xã Trường Sơn để “khai thiên lập địa” xây dựng thôn mới Tân Sơn cho đến ngày hôm nay.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” thời bấy giờ, người dân thôn Tân Sơn đã ra sức khai hoang, phục hóa vùng đất miền sơn cước để trồng cây lương thực, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi... làm mô hình hợp tác xã cho đồng bào các dân tộc thiểu số học tập. Chiến tranh kết thúc, những con người “khai đất” năm xưa, giờ nguyện ở lại với non cao, núi ngàn biên cương để tiếp tục dựng xây quê hương phát triển. Đất không phụ công người, núi không chê cái khổ, rừng hiểu thấu lòng người nên đã trả nghĩa cho vùng quê Tân Sơn những mùa lúa bội thu, mùa lạc nhiều củ, mùa ngô nhiều bắp và Tân Sơn trở thành điểm sáng về sự phát triển trên mọi lĩnh vực của xã Trường Sơn nói riêng, của huyện Quảng Ninh nói chung.Thế nhưng, thiên tai chẳng bao giờ không muốn thử thách ý chí của con người. Tháng 8/1992, một cơn lũ với cường độ cực lớn đã càn quét qua vùng quê trù phú này. Toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, cây cối gần như bị xóa sổ hoàn toàn, người dân chạy vội lên núi cao đứng nhìn mọi công sức của mình bị dòng lũ cuốn đi mà nghẹn dòng nước mắt. Và Tân Sơn gần như kiệt quệ hoàn toàn từ cơn lũ lịch sử ấy.Cố gượng dậy từ trong gian khó, người dân thôn Tân Sơn đã đoàn kết để làm lại từ đầu, thế nhưng mọi khó khăn chẳng hề dừng lại, ruộng đất canh tác bị đá núi trôi xuống lấp đầy, đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm do vôi hóa rất trầm trọng, mọi giếng nước trong thôn không còn cái nào có thể dùng cho sinh hoạt được. Để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, người dân Tân Sơn phải sử dụng nguồn nước từ các khe suối, nhưng phải đi xa hơn 1km mới có chỗ để lấy. Một số gia đình có điều kiện đã xây bể chứa dự trữ nước mưa, song cũng chỉ đủ dùng hơn 1 tháng vào mùa nắng hạn. Cực nhất là mỗi khi có cơn mưa ở phía đầu nguồn, nước ở các khe suối đục ngầu, người dân lấy về phải chờ cho cặn đất lắng xuống rồi sử dụng. Cứ thế, nguồn nước sạch không biết từ bao giờ đã trở thành mơ ước của mỗi người dân ở làng Tân Sơn bé nhỏ này.Ông Trần Văn Biền, Trưởng thôn Tân Sơn nói với tôi: “Thôn Tân Sơn chúng tôi có 88 hộ/325 nhân khẩu. Từ năm 1992 đến nay, chúng tôi đều phải dùng nguồn nước tự nhiên từ các sông suối chưa qua xử lý nên không đảm bảo vệ sinh. Những năm qua, đã có nhiều người dân bị mắc các chứng bệnh về mắt, đường tiêu hóa do nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Hiện nay, thanh niên trong thôn đều đi học hoặc đi làm ăn xa, nhân lực trong thôn chủ yếu là người già và trẻ con nên việc đi lấy nước sinh hoạt ngoài sông, suối lại càng khó khăn hơn. Người dân thôn Tân Sơn chúng tôi luôn mong ước có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh”.Thấu hiểu được sự gian truân, vất vả của người dân Tân Sơn trong cuộc hành trình đi tìm nguồn nước sạch, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh hỗ trợ khoan giếng cho bà con. Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: “Để kêu gọi được doanh nghiệp lên tận vùng heo hút sơn lâm này khoan giếng tìm nguồn nước là cả một vấn đề bởi đường sá quá xa xôi, hơn nữa chưa có ai khoan giếng trên này nên họ rất ngại vì lỡ khoan xuống mà không có nước ngầm thì vừa tốn của, tốn công, lại mang tiếng. Nhưng may mắn, chúng tôi đã tìm được 2 nhà tài trợ là Hồng Tình và Ngô Trường Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh đồng ý khoan 3 giếng cho bà con nơi đây với mức đầu tư 65 triệu đồng/giếng”.Ngày 5/2/2020, người dân thôn Tân Sơn từ già, trẻ, gái, trai đều vô cùng hồi hộp khi mũi khoan thứ nhất dần xoáy sâu xuống lòng đất. 1 ngày, 2 ngày... rồi 3 ngày trôi qua vẫn chưa tìm thấy nguồn nước, cả thôn và những người thợ khoan ai nấy tỏ rõ nét buồn trên khuôn mặt, cứ ngỡ sẽ không thể tìm được nguồn nước. Thế nhưng đến trưa ngày thứ 4, mọi người vỡ òa, hò reo khi mũi khoan chạm được đến mạch nước ngầm, thế là một dòng nước trong mát từ lòng đất tuôn trào như niềm vui, niềm khát vọng của người dân nơi đây đã được giải tỏa. Đầu xuôi, đuôi lọt, thêm 2 giếng nữa được hoàn thành trong vòng 15 ngày. Sau khi giếng khoan xong có máy bơm tiếp nước vào bể chứa dung tích 100 mét khối, nhờ đó, bà con có thể chủ động hơn trong việc sử dụng nước.

Phú Thành

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/202006/mat-diudong-nuoc-bien-phong-171282