Mất hàng trăm triệu đồng khi làm nhiệm vụ 'bấm like', 'thả tim'
Với chiêu thức làm nhiệm vụ trên mạng thì bị hại nạp tiền bao nhiêu sẽ mất thêm bấy nhiêu. Bởi vậy, khi thấy có dấu hiệu lừa đảo thì đến ngay cơ quan công an để trình báo.
Ngày 21/5, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị nhận được nhiều trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng trên không gian mạng.
Mới đây nhất là sự việc một người phụ nữ trên địa bàn bị lừa hơn 500 triệu đồng khi được mới làm cộng tác viên du lịch. Nhiệm vụ đầu tiên của chiêu lừa này là "bấm like", "thả tim", đánh giá cho một khách sạn trên ứng dụng.
Theo trình bày của người phụ nữ, đầu tháng 5/2024, chị nhận được tin nhắn qua facebook làm cộng tác viên du lịch cho một công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Vì muốn có thêm thu nhập nên chị đồng ý kết bạn và hỏi cụ thể công việc.
"Người đó giới thiệu là bên tuyển dụng của công ty chỉ yêu cầu đánh giá về một khách sạn trên một ứng dụng rồi "bấm like", "thả tim" sẽ được 20 ngàn đồng. Một ngày có 15-20 lượt "bấm like", "thả tim" sẽ được khoảng 350 ngàn đồng. Thấy đơn giản nên tôi đồng ý làm việc", người phụ nữ chia sẻ.
Sau khi thực hiện các nhiệm vụ, người phụ nữ được trả tiền ngay lập tức và bên tuyển dụng yêu cầu chị trao đổi thêm với bạn chuyên viên khác để hướng dẫn làm tiếp nhiệm vụ.
Chị được vào nhóm trên ứng dựng telegram gồm 5 người (trong đó có 1 người hướng dẫn, 4 người tham gia làm nhiệm vụ). Tiếp đó, có một người xưng là chuyên gia vào hỗ trợ và giới thiệu về việc "thu hút đầu tư nước ngoài và mình sẽ bỏ thêm vốn. Tuy nhiên, hoa hồng sẽ rất cao và trả ngay khi xong nhiệm vụ". Ngày đầu tiên chị làm nhiệm vụ này được trả công 400 ngàn đồng.
Cứ thế, chị bị lôi vào vòng xoáy làm nhiệm vụ. "Làm nhiệm vụ với số tiền ít thì tôi được thanh toán rất sòng phẳng. Nhưng khi làm nhiệm vụ với số tiền lớn hơn thì bắt đầu xuất hiện các lỗi sai về việc nhập sai dữ liệu", người phụ nữ trình bày.
Cứ mỗi lần báo nhập sai dữ liệu, người làm nhiệm vụ phải nạp thêm tiền để làm lại với lời hứa "xong cái này sẽ được hoàn tiền và hoa hồng". Bốn người làm nhiệm vụ cùng chị đều nhắn tin động viên nhau cứ nạp tiền vào làm xong sẽ được trả cả gốc và lãi. Cứ thế, số tiền chị nạp vào để mong lấy cả gốc và hoa hồng là hơn 500 triệu đồng.
Số tiền nạp vào quá lớn mà chưa lấy được về nên người phụ nữ này rất hoang mang. Chị hỏi hết lần lượt những người trong nhóm đều bảo đã làm xong nhiệm vụ và được nhận tiền, hoa hồng. "Lúc đó, họ chụp màn hình gửi cho tôi về các lần làm nhiệm vụ thành công và nhận số tiền lớn. Đồng thời, họ luôn an ủi, động viên tôi cố xoay trở nạp tiền để lấy cả gốc, hoa hồng về", nạn nhân kể lại.
Tuy nhiên, để lấy lại số tiền hơn 500 triệu đồng đã nạp vào chị lại được hướng dẫn "nạp thêm 342 triệu đồng để nâng cấp lên VIP 4 mới rút được tiền". Số tiền quá lớn khiến chị không thể xoay trở. Đồng thời, khi liên lạc với nhóm này thì không thể liên lạc được. Biết mình bị lừa, chị liền trình báo cơ quan chức năng.
Một điều tra viên của Phòng cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) nhấn mạnh, với chiêu thức này, bị hại nạp tiền vào thì chắc chắn sẽ mất. Nạp bao nhiêu sẽ mất thêm bấy nhiêu. Bởi vậy, khi thấy có dấu hiệu lừa đảo thì đến ngay cơ quan công an để trình báo.
Khi mất số tiền lớn thì không nên cố gắng lấy lại số tiền đó thông qua các lời giới thiệu trên mạng như "100% lấy lại được số tiền bị treo khi làm nhiệm vụ". Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của kẻ xấu khi chúng gửi link đến các trang giả mạo "an ninh mạng", "cục tiền tệ", "văn phòng luật sư" để lấy lại tiền...