'Mất hết rồi'... Nước mắt lẫn trong bùn lũ ở Nghệ An

'Không còn gì nữa, trôi hết cả rồi. Bây giờ biết bám víu vào đâu nữa đây', tiếng khóc xé lòng của bà Vi Thị Bảy (44 tuổi, trú xã Mỹ Lý, Nghệ An) vang vọng giữa khung cảnh đổ nát khiến nhiều người xung quanh không cầm được nước mắt.

Tan hoang

Nhiều ngày sau trận lũ dữ, người dân xóm vạn chài thôn Vĩnh Hoàn (xã Con Cuông, Nghệ An) vẫn chưa thể về nhà dọn dẹp khi nước sông Lam còn ở mức cao, chảy xiết. Những người gắn với sông nước, cá tôm bao năm chỉ biết chèo thuyền đi dọc lối vào để tìm con gà, cái ghế sót lại khi trận lũ quét qua.

Đôi mắt đỏ hoe, thất thần nhìn về căn nhà phía bờ sông, anh Cao Tiến Lành, nghẹn lại: "Mất hết rồi. Căn nhà vợ chồng tích cóp xây dựng giờ bị lũ cuốn không còn thứ gì nữa".

 231 nhà dân ở xã Mỹ Lý bị ảnh hưởng khi lũ quét qua.

231 nhà dân ở xã Mỹ Lý bị ảnh hưởng khi lũ quét qua.

34 tuổi, vợ chồng Lành đã có 3 người con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ mới 11 tháng. Năm 2021, sau nhiều năm tích góp, đôi vợ chồng trẻ dựng được căn nhà ven sông. Ngôi nhà tuy không lớn nhưng ấm áp với gia đình nhỏ, thế nhưng, trận lũ lịch sử, bất ngờ đã cuốn đi mái ấm đó. Đêm 22/7, mưa trắng trời, nước sông Lam cuồn cuộn đổ về như thác. Biết lũ còn dâng, Lành đưa vợ và các con lên thuyền để ra nhà người thân cạnh quốc lộ 7 tránh tạm, rồi một mình quay về dọn đồ. Thế nhưng, lũ lên quá nhanh, ý định vớt vát chút đồ đạc, tài sản của chàng trai trẻ bị dập tắt.

Đến sáng 23/7, khi trời vừa hửng sáng, trèo lên gác cao nhà hàng xóm nhìn về phía nhà mình, Lành chết lặng khi căn nhà bị lũ cuốn phân nửa, chỉ còn lại bức tường chờ sập.

"Cả đêm chạy lũ, vợ chồng em vẫn mong đồ đạc, tài sản không bị cuốn trôi mất, không nghĩ đến căn nhà mới xây lại bị lũ cuốn. Bao nhiêu cố gắng giờ mất hết, chẳng còn gì nữa", anh Lành ngậm ngùi. Không chỉ gia đình Lành, cả xóm vạn chài thôn Vĩnh Hoàn (xã Con Cuông) từ lâu đã quen "sống chung với lũ" nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp, nhanh và lớn như vậy. Sau nhiều đêm thức trọn chờ lũ rút, họ vẫn luôn cầu mong dòng nước đục không cuốn đi tất cả tài sản.

 Anh Cao Tiến Lành (34 tuổi, xã Con Cuông) cùng con gái khóc nghẹn khi căn nhà bị lũ cuốn trôi.

Anh Cao Tiến Lành (34 tuổi, xã Con Cuông) cùng con gái khóc nghẹn khi căn nhà bị lũ cuốn trôi.

Ở xã Mỹ Lý - vùng đất vốn trù phú, yên bình nay chỉ còn lại những đống đổ nát, bùn lầy và nỗi đau xé lòng của đa phần đồng bào người Thái sinh sống nơi đây. Những ngôi nhà sàn kiên cố, biểu tượng của vùng đất Mỹ Lý, nay chỉ còn trơ lại nền móng hoặc xiêu vẹo, chực chờ đổ sập. Trận lũ dữ đã cuốn trôi, làm hư hỏng 231 ngôi nhà của người dân 7 bản, để lại những khoảng trống hoang lạnh bên bờ Nậm Nơn. Mái tôn, vật dụng gia đình, quần áo... vương vãi khắp nơi, mắc kẹt trên cành cây, bờ rào, tạo nên một cảnh tượng hỗn độn, đau xót.

"Không còn gì nữa, trôi hết cả rồi. Bây giờ biết phải bám víu vào đâu nữa đây", bà Vi Thị Bảy (44 tuổi) khóc nghẹn. Tiếng khóc xé lòng của bà Bảy vang vọng giữa khung cảnh đổ nát khiến nhiều người xung quanh không cầm được nước mắt. Ngôi nhà, nơi bà và gia đình gắn bó bao năm, giờ chỉ còn là khoảng trống hoang tàn. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu tài sản tích góp cả đời đã trôi theo dòng nước lũ hoặc chôn vùi đâu đó dưới lớp bùn non nhão nhoẹt.

 Người dân miền núi Nghệ An đau xót chứng kiến nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi.

Người dân miền núi Nghệ An đau xót chứng kiến nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi.

Mất mát về vật chất là điều khó tránh khỏi, nhưng nỗi đau tinh thần mới là thứ giày vò bà Bảy. Bà lo cho tương lai các con, không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao khi chốn trở về đã bị lũ cuốn mất. Trong khung cảnh hoang tàn, người dân Mỹ Lý thất thần, bơ phờ, cố gắng bới tìm dưới lớp bùn dày những gì còn sót lại. Trên khuôn mặt nhem nhuốc bùn đất, ánh mắt họ chất chứa nỗi buồn, sự lo lắng và cả niềm tuyệt vọng. Những tiếng khóc than, những lời ai oán vang vọng khắp nơi.

‘Không để dân bị đói, thiếu thốn’

Đến sáng 25/7, nước lũ đã rút dần ở các xã Mỹ Lý, Mường Xén, Nhôn Mai, Tương Dương, Con Cuông... nhưng nhiều bản làng ở các xã miền núi Nghệ An vẫn bị chia cắt, cô lập vì cầu sập, đường sá sạt lở. Như tại xã Tương Dương, lũ đã cuốn trôi 3 cầu treo khiến 6 bản của xã bị cô lập hoàn toàn nhiều ngày qua. Lực lượng chức năng, chính quyền xã cũng tìm nhiều cách tiếp cận những bản làng bị cô lập nhưng bất thành.

"6 bản của xã có 437 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu đang sống trong cảnh bị cô lập hoàn toàn. Giao thông đường bộ bị chia cắt, hàng hóa không thể tiếp cận, người dân khan hiếm lương thực, nước sạch, thuốc men... Trong sáng 25/7, Bộ Quốc phòng đã khẩn cấp điều động trực thăng để ứng cứu, tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân”, ông Lê Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương cho hay.

 Xã Tương Dương có 3 cầu treo bị lũ cuốn trôi, hàng trăm hộ dân còn bị cô lập.

Xã Tương Dương có 3 cầu treo bị lũ cuốn trôi, hàng trăm hộ dân còn bị cô lập.

Lãnh đạo các xã có dân cư bị cô lập do mưa lũ cũng cho biết, do đường sá bị chia cắt, ngổn ngang bởi lượng bùn quá lớn sau lũ nên khi nước rút, các địa phương huy động máy móc nạo vét bùn để xe cộ và người dân đi lại.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén cho biết: “Sau lũ, xã thành lập ngay các tổ địa bàn, tiếp cận những vùng còn bị cô lập để kiểm tra thiệt hại, thăm hỏi bà con, cung cấp mỳ tôm, nhu yếu phẩm cần thiết và một phần kinh phí để đảm bảo bà con không bị đói, thiếu thốn trong lũ. Đối với các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa sẽ sắp xếp đến ở tạm tại nhà người quen, huy động các lực lượng, hỗ trợ bà con dựng lại nhà cửa, sớm tái thiết cuộc sống sau lũ”.

 Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương cùng các lực lượng tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ.

Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương cùng các lực lượng tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ.

Trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các địa phương ngập lụt ở Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cho rằng, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của con người là trên hết. Thiên tai là điều không ai mong muốn, vì vậy mong người dân cố gắng, nỗ lực để sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh, dù nước đã rút một phần nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan. Trên hết phải đảm bảo an toàn tính mạng; tranh thủ nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó để phòng chống dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Phạm Trường - Ngọc Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mat-het-roi-nuoc-mat-lan-trong-bun-lu-o-nghe-an-post1763466.tpo