Mất khứu giác: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mất khứu giác là khi người mắc mất đi khả năng phân biệt, nhận biết mùi. Tình trạng này có thể diễn ra tạm thời hoặc vĩnh viễn với nhiều nguyên nhân, đôi khi do bẩm sinh.

1. Mất khứu giác là gì?

Mất khứu giác là tình trạng không ngửi được mùi, có thể xảy ra mất khứu giác một phần hoặc hoàn toàn, mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Mất khứu giác là triệu chứng khá thường gặp trong một số bệnh lý với những nguyên nhân đa dạng. Mất khứu giác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, thưởng thức, cảm nhận… gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Do vậy, việc xử lý, điều trị sớm tình trạng này đóng vai trò quan trọng.

2. Nguyên nhân gây mất khứu giác

Một số nguyên nhân dẫn đến mất khứu giác có thể kể đến như:

Mất khứu giác do tắc nghẽn đường mũi: Tắc nghẽn đường mũi là nguyên nhân phổ biến gây mất khứu giác. Tắc nghẽn đường mũi xảy ra khi có vật cản xuất hiện cản trở đường truyền tín hiệu mùi, bao gồm viêm xoang, polyp mũi, khối u trong mũi, biến dạng cấu trúc giải phẫu xương, sụn của mũi.

Mất khứu giác do kích ứng niêm mạc trong mũi: Tổn thương, kích ứng niêm mạc bên trong mũi do các nguyên nhân như viêm xoang, cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng… Trong đó, có nhiều trường hợp mất khứu giác một phần hoặc hoàn toàn do cúm.

Viêm xoang là một trong những nguyên nhân làm giảm, mất khả năng nhận biết mùi vị

Viêm xoang là một trong những nguyên nhân làm giảm, mất khả năng nhận biết mùi vị

Mất khứu giác do chấn thương vùng đầu mặt cổ hoặc tổn thương thần kinh: Chấn thương ở vùng đầu mặt cổ có thể gây tổn thương mũi hoặc các xoang, từ đó dẫn tới tắc nghẽn cơ học. Chấn thương có thể gây ra tổn thương các sợi trục khứu giác của vỏ não dẫn tới mất khả năng nhận biết mùi.

Các tổn thương hệ thần kinh trung ương có thể dẫn tới tình trạng mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương.

Mất khứu giác do lão hóa: Quá trình lão hóa và thoái hóa thần kinh cũng có liên quan tới việc mất cảm nhận về mùi. Khi tuổi càng cao, khả năng cảm nhận về mùi vị của con người càng giảm sút. Nguyên nhân là do sự lão hóa sẽ khiến cơ thể mất đi số lượng lớn tế bào khứu giác và giảm diện tích bề mặt biểu mô khứu giác giúp cảm nhận mùi vị.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan giữa sự suy giảm cảm thụ mùi với các rối loạn thoái hóa thần kinh (như bệnh Alzheimer, Parkinson, chứng mất trí nhớ Lewy…).

Các tình trạng bệnh lý và nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng mất khứu giác như: Bệnh gan hoặc bệnh thận; bệnh u hạt với viêm đa mạch; bệnh tâm thần phân liệt; bệnh đa xơ cứng; bệnh COVID-19, suy dinh dưỡng,…

Tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây mất khứu giác: Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, kẽm dạng xịt mũi, thuốc ức chế men chuyển (ACE)…. Tiếp xúc nhiều với khí, hơi hóa học, dung môi hữu cơ hoặc thuốc trừ sâu,...

3. Triệu chứng của mất khứu giác

Biểu hiện triệu chứng của mất khứu giác rất đa dạng, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thời gian mắc bệnh mà có thể gặp các dấu hiệu sau:

- Mất khứu giác một phần: Vẫn có cảm nhận được một số mùi. Người bệnh thường không thể ngửi thấy một số mùi hương nhẹ, nhưng vẫn có thể ngửi thấy những mùi hương mạnh như tinh dầu,...

- Mất khứu giác hoàn toàn: Không thể ngửi thấy bất kỳ mùi nào.

Tình trạng mất khứu giác có thể kèm theo giảm cảm giác vị giác, khiến cho người bệnh giảm cảm nhận ăn uống ngon miệng, dẫn đến thể trạng gầy sút, mệt mỏi, thậm chí bị rối loạn lo âu, trầm cảm.

5. Chẩn đoán mất khứu giác

Nếu bị mất khứu giác trong các trường hợp sau đây, người bệnh cần đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời:

Bị chấn thương vùng đầu, mặt, cổ.
Có triệu chứng của rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn chức năng hệ thần kinh.
Khó giữ thăng bằng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt thức ăn.
Đột ngột bị mất khứu giác (không cảm nhận được mùi vị).
Có nguy cơ mắc COVID-19.

Dựa vào đánh giá tiền sử bệnh và khám thực thể, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau: chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như: chụp X-quang, nội soi mũi, test nhanh COVID-19,...

4. Biến chứng của mất khứu giác

Phần lớn các trường hợp mất khứu giác có thể phục hồi sau khi điều trị khỏi hoặc điều trị giảm bớt căn nguyên gây bệnh.

Tuy nhiên, với những trường hợp lão hóa hoặc tổn thương thần kinh khứu giác thì khả năng phục hồi rất thấp, thậm chí có thể gây mất khứu giác vĩnh viễn. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại như: không nhận biết được các chất độc hại, giảm cảm giác thèm ăn, rơi vào tình trạng chán ăn, trầm cảm, lo âu,…

Nội soi mũi có thể giúp kiểm chứng tình trạng mất khứu giác.

Nội soi mũi có thể giúp kiểm chứng tình trạng mất khứu giác.

5. Mất khứu giác có lây nhiễm không?

Mất khứu giác là bệnh không lây nhiễm.

6. Điều trị mất khứu giác

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất khứu giác, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp và tối ưu nhất. Việc điều trị đúng nguyên nhân sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi khứu giác, đồng thời giúp phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến mất khứu giác.

Thông thường, điều trị mất khứu giác gồm các phương pháp sau:

- Trường hợp bị kích ứng niêm mạc mũi hoặc viêm xoang: Người bệnh có thể được điều trị bằng cách xông hơi, xịt mũi, sử dụng thuốc kháng sinh và đôi khi là phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phục hồi khứu giác hoàn toàn ngay cả khi việc điều trị viêm xoang thành công. Đối với người có tiền sử viêm xoang mạn tính hoặc polyp mũi thì không thể điều trị triệt để bằng thuốc, phương pháp phẫu thuật có thể được cân nhắc tới.

- Trường hợp bị cảm cúm, dị ứng: Khứu giác có thể được phục hồi trong vòng vài ngày. Trong trường hợp này, có thể sử dụng một số loại thuốc (không kê đơn) giúp quá trình hô hấp được dễ dàng hơn, tuy nhiên nếu thấy tình trạng mất khứu giác trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

- Trường hợp bị tổn thương tế bào thần kinh khứu giác do chấn thương: Tùy theo mức độ tổn thương mà bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp. Tế bào thần kinh khứu giác có khả năng tái tạo, nhưng thời gian và khả năng phục hồi tùy thuộc vào mức độ tổn thương và đặc thù cơ địa từng người bệnh. Vì vậy tình trạng phục hồi khứu giác có thể diễn ra nhanh hoặc chậm, phục hồi nhiều hay ít.

7. Cách phòng ngừa mất khứu giác

Mất khứu giác là biểu hiện, triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý, sức khỏe khác nhau. Do đó, các biện pháp phòng ngừa là không đặc hiệu, bao gồm:

Thường xuyên vệ sinh mũi: Để hạn chế tình trạng tắc nghẽn đường mũi, loại bỏ chất nhầy khỏi khoang mũi bằng nước muối sinh lý.
Đeo khẩu trang thường xuyên: Nhằm hạn chế khói, bụi. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại, không hút thuốc lá, thuốc lào.
Nâng cao sức khỏe bản thân: Qua chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, hợp lý nhằm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, tránh cảm lạnh, cảm cúm.
Phòng ngừa chấn thương, tai nạn thương tích vùng đầu mặt cổ: Đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy, mang trang thiết bị bảo hộ lao động theo quy định trong môi trường lao động đặc thù, mang đồ bảo vệ vùng đầu mặt cổ trong các môn thể thao nguy hiểm... nhằm hạn chế tối đa các chấn thương vùng đầu mặt cổ.

Viêm xoang: Cảnh báo về biến chứng nguy hiểm.

BS. Thanh Liêm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-khuu-giac-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-169240824164324757.htm