Mất liên lạc với Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng 12 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế để chỉ huy công tác cứu hộ 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang mất liên lạc.
Chiều nay 13-10, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, để chỉ huy công tác cứu hộ 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 và 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn ở thủy điện này, đang bị mất liên lạc.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Phó Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục di chuyển bằng ôtô về khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Báo cáo Phó Thủ tướng và Đoàn công tác, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, cho biết công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện, hiện các lực lượng còn cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 2 km.
Trưa 13-10, tại Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai các phương án để sớm tiếp cận hiện trường vụ lở đất.
Đầu giờ chiều nay 13-10, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết hiện tại lực lượng chức năng vẫn chưa thể liên lạc được với 17 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) và 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 .
Đang có mặt ở Thừa Thiên-Huế để phối hợp với các lực lượng lên phương án cứu hộ, cứu nạn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Sở Chỉ huy tiền phương đã được thành lập để lên phương án cứu hộ, cứu nạn.
15 giờ 45, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn đang mất liên lạc với Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng 12 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn.
"Các lực lượng vẫn đang tích cực cơ động vào hiện trường. Hiện nay toàn bộ đường cơ động vào hiện trường dài khoảng 20 km bị sạt lở đất đá rất nhiều, gây khó khăn cho các lực lượng tiếp cận hiện trường. Chúng tôi đang tổ chức mở đường và đưa lực lượng tiếp cận thủy điện để tìm kiếm những người mất tích" - Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ thông tin.
Theo ông Tỵ, hiện Thiếu tướng Doãn Thái Đức-Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cũng đã có mặt tại Thừa Thiên-Huế để cùng chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Khoảng 13 giờ ngày 12-10, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn 10 lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, đoàn công tác của UBND tỉnh cùng Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man; Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, và cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
Đến 16 giờ, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Đoàn quyết định vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn.
Do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn nên khi đoàn đang nghỉ ở Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ thì bị sạt lở đất.
Ngay khi nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế lập tức điều động lực lượng cứu hộ. Đến sáng nay, đã liên lạc được 8 người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được.
Hiện, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 .
Trực thăng của Sư đoàn 372 tại sân bay Đà Nẵng cũng đã có lệnh cất cánh từ sân bay Đà Nẵng để vào khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm, cứu nạn.