Mất máu liên tục, 3 lần cấp cứu vì chữa bệnh trĩ sai cách

Sau 2 lần cấp cứu, gia đình thấy bệnh nhân nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt nhiều nên tiếp tục đưa bệnh nhân đi cấp cứu lần 3. Tổng cộng cả quá trình điều trị phải truyền tới 13 đơn vị (3,25 lít) máu - tương đương với việc mất 2/3 lượng máu có trong cơ thể.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân trĩ chảy máu nặng do điều trị không đúng cách.

Bệnh nhân P.T.H (nữ, 46 tuổi, địa chỉ ở Đông Triều, Quảng Ninh) bị bệnh trĩ từ năm 2011, đã được nội soi tiêm xơ búi trĩ năm 2015, nội soi thắt trĩ năm 2019. Hai tháng nay bệnh nhân (BN) đi ngoài bị chảy máu thành tia và sa trĩ, phải dùng tay đẩy lên.

Bệnh nhân đi ngoài ra máu kéo dài, mất máu nhiều phải cấp cứu lần 1 tại bệnh viện địa phương, được truyền 5 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu, có chỉ định mổ nhưng gia đình chưa đồng ý phẫu thuật. Về nhà, BN tiếp tục bị đi ngoài ra máu.

Cách vào Bệnh viện Bạch Mai 2 tuần, BN mất máu nhiều phải đi cấp cứu lần 2 tại địa phương, được truyền thêm 2 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu không đỡ, người bệnh và gia đình vẫn không đồng ý mổ và xin ra viện về ăn Tết.

Đến ngày 28/01/2023, gia đình thấy BN nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt nhiều nên quyết định đưa BN đi cấp cứu lần 3 tại Bệnh viện Bạch Mai. Khám lúc vào viện bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tỉnh chậm; da niêm mạc nhợt nhiều; mạch 90 lần/phút; huyết áp 90/60. Hậu môn có trĩ vòng độ III có điểm chảy máu thành tia, phải dùng tay đẩy lên...

BN được truyền 4 đơn vị máu trước mổ và được tiến hành phẫu thuật Longo kết hợp khâu treo trĩ vào ngày 31/01/2023. Sau mổ tiếp tục được truyền 02 đơn vị máu. Đến ngày 03/02/2023, BN ổn định, đi ngoài không còn chảy máu, được ra viện.

Nguy hiểm tính mạng nếu điều trị bệnh trĩ không đúng

Theo ThS.BS. Nguyễn Thế Hiệp - Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, chảy máu hậu môn khi đại tiện là triệu chứng thường gặp của các bệnh nhân trĩ, tuy nhiên mức độ chảy máu ít hay nhiều khác nhau ở từng bệnh nhân. Nếu hiện tượng chảy máu nhiều mỗi lần đi ngoài kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân trĩ bị đi ngoài ra máu nhiều cần thăm khám sớm ở những cơ sở chuyên khoa để được điều trị đúng phương pháp. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân trĩ bị đi ngoài ra máu nhiều cần thăm khám sớm ở những cơ sở chuyên khoa để được điều trị đúng phương pháp. Ảnh minh họa.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân mắc bệnh trĩ, đặc biệt là các bệnh nhân trĩ bị đi ngoài ra máu nhiều cần thăm khám sớm ở những cơ sở chuyên khoa để được điều trị đúng phương pháp.

Những phương pháp như tiêm xơ, thắt búi trĩ hoặc kể cả phẫu thuật cắt trĩ nếu không đúng chỉ định, đúng giai đoạn bệnh sẽ dẫn đến tái phát, biến chứng, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp bệnh nhân trên đã không được điều trị đúng cách từ trước, dẫn đến trĩ tái phát chảy máu, khi có biến chứng lại không tuân thủ chỉ định phẫu thuật dẫn đến mất máu nặng, phải mổ cấp cứu. Tổng cộng cả quá trình điều trị phải truyền tới 13 đơn vị (3,25 lít) máu - tương đương với việc mất 2/3 lượng máu có trong cơ thể. Hậu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, chi phí và mức độ phức tạp trong điều trị tăng gấp nhiều lần so với việc xử trí đúng đắn từ đầu.

Cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ bằng cách:

Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.
Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ.
Tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ.
Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ...
Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.
Khi phát hiện bị trĩ cần đi khám để có chẩn đoán và điều trị hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc dễ gây ra nhiều biến chứng.

M.Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-mau-lien-tuc-3-lan-cap-cuu-vi-chua-benh-tri-sai-cach-169230217181032889.htm