Mật phục giữ cáp viễn thông
Cáp viễn thông được ví như những 'dây thần kinh' có nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc đến mọi nơi.
Để bảo đảm "hệ thần kinh" hoạt động xuyên suốt, những nhân viên kỹ thuật ở các Trung tâm Viễn thông trong tỉnh phải thường xuyên tuần tra, canh gác không quản ngày đêm, mưa nắng.
Vất vả đêm hôm
Một buổi tối đầu đông, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, chúng tôi phóng xe về Trung tâm Viễn thông Tứ Kỳ. Thấy ánh đèn xe máy rọi sáng cả khoảng sân sau, biết chúng tôi đến, anh Nguyễn Xuân Trường, Tổ trưởng Tổ hạ tầng vội vàng từ tầng 2 xuống đón.
Nhanh nhẹn lách qua những cuộn cáp lớn, anh Trường nói: "Đang trong đợt cao điểm thu hồi cáp đồng để thay thế bằng cáp quang nên trung tâm hơi bừa bộn chút, các chú thông cảm".
Ngoài trời đổ mưa, những đợt gió lùa qua từng khe cửa cong vênh, rít lên liên hồi. Theo anh Trường, mưa gió là thời điểm lý tưởng cho bọn "cáp tặc" lộng hành nên các anh cần tăng cường thêm người.
Như đêm nay có đến 3 người trực ở trung tâm. Nhấp vội chén trà nóng, anh Trường bảo: "Đêm nay các chú sẽ theo đồng chí Nguyễn Đức Đôn đi tuần tra ở khu vực các xã Văn Tố, Cộng Lạc. Nếu trên hệ thống cảnh báo phát hiện sự cố, tôi sẽ điện cho đồng chí Đôn dẫn các chú đến để nắm bắt tình hình".
Chúng tôi nhanh chóng di chuyển theo đường tỉnh 391 về xã Văn Tố. Mưa càng lúc càng lớn, táp ngược vào mặt rát rạt. Anh Đôn vẫn kiên trì lái xe dưới làn mưa. Những lúc gặp đợt gió lớn, chiếc xe chao đảo.
Đến điểm giao với trục đường thôn Gia Lộc, xã Văn Tố, anh Đôn ra hiệu dừng xe. Chỉ về đoạn đường phía trước mặt, anh Đôn nói: "Trên đoạn đường này tháng trước từng xảy ra 3 vụ cắt trộm cáp. Bọn tớ phải ăn nằm ở đây mấy đêm mới bắt được".
Đi hết trục đường thôn Gia Lộc, chúng tôi tiếp tục về xã Cộng Lạc để kiểm tra những điểm thường xuyên bị mất cáp. Theo lời anh Đôn kể thì khu vực xã Cộng Lạc trước đây cứ cách ngày lại xảy ra một vụ mất cáp nên việc đi tuần tra đều đặn sẽ ngăn chặn bọn trộm ra tay.
Ngoài lực lượng của trung tâm, các anh còn phối hợp với Công an huyện, Công an xã để khi xảy ra mất trộm cáp sẽ kịp thời tổ chức vây bắt.
Anh Đôn vừa đi vừa kể: "Tôi nhớ mãi cái đêm mà đường cáp ngầm nằm cạnh tỉnh lộ 391 đoạn qua xã Cộng Lạc bị cắt trộm. Hai cửa cống lớn nặng cả tạ bị bọn trộm cạy lật đổ xuống ruộng.
Chúng dùng kìm cộng lực cắt 2 đầu cáp khiến đường truyền bị tắc nghẽn cục bộ. Tuy nhiên, do cáp ngầm to và nặng hơn cáp treo trên cao nên bọn chúng không lấy được đành bỏ của chạy lấy người".
Sau khi bọn chúng bỏ chạy, nhóm anh Đôn triển khai ngay công tác khắc phục. Việc hàn nối lại cáp ngầm đòi hỏi người thợ phải có thâm niên trong nghề. Cả đêm hôm đó các anh vật lộn với 2.000 lõi cáp nhỏ ở 2 đầu dây đến sáng sớm hôm sau mới xong.
Sau khi đi kiểm tra lại các tuyến cáp, anh Đôn dẫn chúng tôi đến gặp các anh Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Phương Nam ở xã Văn Tố.
Đây là những người đã hỗ trợ anh Đôn trong đêm truy bắt 2 đối tượng trộm cáp cách đây không lâu. Anh Đức kể lại, vào khoảng 1 giờ ngày 9.9, anh đang gác ở công trường ven đường trục thôn Gia Lộc thì nghe thấy tiếng động mạnh nên chạy ra kiểm tra.
Cùng lúc ấy có 2 nam thanh niên lạ mặt đi xe máy phóng từ cống Dáu ra đường tỉnh 391. Qua kiểm tra, anh Đức thấy một đoạn cáp viễn thông rất dài đã bị cắt thành 4 đoạn. "Có lẽ trong quá trình cắt, cáp bị rơi xuống đất nên gây ra tiếng động. Và chính 2 đối tượng lạ mặt kia là thủ phạm", anh Đức kể.
Ngỡ bị bắt gặp ngay lần đầu thực hiện hành vi trộm cáp ở thôn Gia Lộc, 2 đối tượng kia sẽ chuyển sang địa bàn khác nhưng đến đêm 14.9, hệ thống cảnh báo ở Trung tâm Viễn Thông Tứ Kỳ lại tiếp tục thông báo có sự cố đứt cáp tại thôn Gia Lộc. Anh Đôn vội điện cho anh Nam và anh Đức phối hợp kiểm tra nơi xảy ra sự cố.
Thấy có bóng người từ trong công trường đi ra, 2 thanh niên vội lên xe phóng đi. "Thấy có người bám theo, 2 đối tượng phóng xe nhanh hơn. Đến khúc cua ra đường 391 thì xe của tôi và 2 đối tượng kia đều bị chao đảo vì phải phanh gấp. Đến gần quốc lộ 10 thì chúng tôi không bám theo nữa vì lúc này đường có nhiều xe qua lại, nếu truy bắt tiếp sẽ rất nguy hiểm", anh Nam kể.
Rút kinh nghiệm từ những lần truy bắt trước, anh Đôn về nhà tự lên kế hoạch vây bắt cụ thể. Tuyến đường thôn Gia Lộc cũng được anh tuần tra nhiều hơn.
Đêm 22.9, hệ thống lần nữa thông báo xảy ra lỗi ở thôn Gia Lộc. Anh Đôn lập tức điện ngay cho Công an xã phối hợp chốt chặn vòng ngoài. Đồng thời, anh cùng anh Nam, anh Đức tiếp tục nằm chờ cho đến khi 2 đối tượng đưa cáp lên xe chở đi.
Thế nhưng, sau khi cắt cáp xong, các đối tượng không lấy cáp ngay mà lên xe đi lại vài lần để kiểm tra. Thấy yên tĩnh, 20 phút sau, 2 đối tượng mới quay lại đưa cáp lên xe. Đi được vài trăm mét thì bị nhóm anh Đôn vây bắt và giao cho Công an huyện xử lý.
Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng là Đỗ Văn Trung (28 tuổi) ở xã Quốc Tuấn và Nguyễn Văn Thép (30 tuổi) ở xã Quang Hưng (cùng huyện An Lão, TP Hải Phòng) khai nhận đã dùng kìm cộng lực để cắt trộm 48 m dây cáp viễn thông lấy lõi đồng để bán. Đối tượng Thép đã có một tiền án về tội trộm cắp cáp viễn thông tại huyện Thanh Hà và vừa được ra tù từ tháng 4.
Khó quản lý
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ trộm cáp của Viễn thông Hải Dương. Gần 3.000 m dây cáp viễn thông các loại bị cắt trộm gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Các vụ trộm cáp viễn thông chủ yếu xảy ra ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành, vì đây là những địa phương giáp ranh với Hải Phòng nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng việc bảo vệ cáp viễn thông vẫn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng. Các đối tượng trộm cáp thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nên việc truy bắt, điều tra gặp nhiều trở ngại.
Ông Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông Thanh Hà cho biết: "Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ trộm cáp viễn thông, tăng 6 vụ so với năm 2018.
Không chỉ lấy cáp trên cao, các đối tượng còn lật cống cắt trộm cả cáp ngầm với số lượng lớn. Lợi dụng địa hình giáp ranh với Hải Phòng nên khi bị phát hiện, các đối tượng thường vượt qua sông Văn Úc để chạy trốn. Ngoài ra, các đối tượng trộm cáp thường rất liều lĩnh, chúng luôn mang theo vũ khí bên người và sẵn sàng sử dụng khi bị truy đuổi".
Điểm chung của các vụ trộm cáp là các đối tượng thường lợi dụng thời điểm đêm tối, nơi vắng vẻ xa khu dân cư để thực hiện hành vi trộm cắp. Do chiều cao trung bình của các cột điện khá thấp, kết cấu của dây cáp là vỏ nhựa lõi đồng nên rất dễ cắt cáp. Các đối tượng thường lấy cáp để tách lấy đồng bán.
Khi cáp bị cắt trộm, đường truyền bị cắt đứt không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà mạng. Để sửa chữa, hàn gắn lại các đoạn cáp đứt cần rất nhiều thời gian và công sức.
Hiện nay, các công trình viễn thông được coi là tài sản, được xếp vào danh mục công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Mặc dù đã triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo sự cố về cáp nhưng do địa bàn rộng nên khi các nhân viên viễn thông xuống đến nơi thì các đối tượng đã trốn khỏi hiện trường.
Để bảo đảm thông tin liên lạc cho khách hàng, Viễn thông Hải Dương đã yêu cầu Trung tâm Viễn thông tại các địa phương thành lập tổ tuần tra, canh gác 24/24 giờ; tích cực phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ, tố giác tội phạm.
Anh Phạm Thanh Tuyến, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Tứ Kỳ) cho biết: "Nhận định rất có thể đối tượng sẽ còn gây án nên chúng tôi đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tung nhiều trinh sát dày dặn kinh nghiệm xuống các cơ sở, kết hợp rà soát địa bàn".
Tập đoàn Viễn thông Việt Nam đang triển khai thay toàn bộ cáp đồng bằng hệ thống cáp quang để khắc phục tình trạng cắt trộm cáp lấy đồng, bảo đảm đường truyền ổn định, tốc độ cao.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-ninh-trat-tu/mat-phuc-giu-cap-vien-thong-120504