'Mắt thần' canh giữ bầu trời
Nhiệm vụ chính của radar phòng không là canh gác, bảo vệ vùng trời Tổ quốc, chủ động phát hiện và cảnh báo sớm mọi hành động xâm phạm không phận, không để quân đội bị bất ngờ với các tình huống trên không.
Cùng với sự phát triển của chiến tranh hiện đại, các loại radar phòng không mới với chức năng đa dạng giúp giải bài toán tác chiến của lực lượng phòng không lần lượt được ra đời.
Radar cảnh giới truyền thống với chức năng phát hiện, bám bắt và phân loại mục tiêu, có thể được lắp dựng cố định tại các trạm radar hoặc được bố trí trên xe tải quân sự nhằm tăng tính cơ động khi tác chiến. Đại diện tiêu biểu như: Radar cảnh giới tầm xa 3D AN/TPS 59 của hãng Lockheed-Martin áp dụng công nghệ bán dẫn tại băng L có khả năng phát hiện mục tiêu máy bay đến 555km hoặc mục tiêu tên lửa đạn đạo đến 740km hay radar cảnh giới VRS-2DM do Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất với cự ly phát hiện 300km, khả năng cơ động nhanh.
Radar điều khiển hỏa lực có nhiệm vụ xác định quỹ đạo của mục tiêu rồi dựa vào các tham số khác nhau đo được của mục tiêu để nội suy vị trí tương lai. Radar điều khiển hỏa lực liên tục tìm kiếm và bám mục tiêu, cung cấp thông tin cho các hệ thống tên lửa phòng thủ mục tiêu và tiến hành tiêu diệt. Một số loại radar điều khiển hỏa lực như AN/APG 78 của Mỹ được lắp đặt trên trực thăng sử dụng sóng milimet để truy tìm mục tiêu và dùng hệ thống tên lửa lắp trên trực thăng để tiêu diệt mục tiêu địch trong khoảng 0,5-8km hay radar 3D đa chức năng RAJENDRA được phát triển tại Ấn Độ đảm nhận chức năng, tìm, hỏi-đáp truy vấn nhiều mục tiêu cùng lúc.
Hệ thống radar thụ động trong đó radar chỉ đóng vai trò thu tín hiệu phản hồi về từ mục tiêu bằng cách lợi dụng các tín hiệu vô tuyến dân sự như tín hiệu FM, DAB, DVBT... Ưu thế của các hệ thống radar này là khó bị phát hiện do không phát ra tín hiệu, tăng độ chính xác do tín hiệu phản hồi từ mục tiêu đến từ nhiều góc độ khác nhau, ngoài ra giá thành của các radar này thường rẻ. Một số hệ thống radar thụ động như radar HA100 của hãng Thales Pháp hay PARADE của Airbus.
Đặc trưng của hệ thống radar phòng không so với các hệ thống radar khác là việc cần phát hiện được mục tiêu từ xa (đến vài trăm ki-lô-met) với tốc độ mục tiêu nhanh (có thể vượt qua tốc độ âm thanh). Một số công nghệ được phát triển để cải tiến các loại radar phòng không như công nghệ quét điện tử cho phép radar chuyển từ 2D (chỉ có thông tin phương vị và tốc độ) thành 3D (thêm thông tin độ cao) tăng độ chính xác khi tiêu diệt hay công nghệ nhận dạng mục tiêu tự động cho phép radar phát hiện mục tiêu là máy bay chiến đấu, tên lửa hay máy bay không người lái.