'Mắt thần' ngầm theo dõi bạn: Từng hành vi, mọi sở thích, tất cả nơi đến
Camera AI phân biệt, lọc độ tuổi của khách khi thực hiện hành vi mua sắm. Từ đó, DN phân tích dữ liệu, bố trí lại gian hàng, phân loại khách theo thu nhập và đã thành công tại Việt Nam.
Cuộc đấu ngầm về dữ liệu
Trong 3 năm, chuỗi cà phê Starbucks thu thập dữ liệu hình ảnh khách hàng, nghiên cứu hành vi tiêu dùng trên toàn thế giới mỗi khi có người bước vào cửa hàng trong hệ thống. 3 năm sau, chỉ bằng động thái thay đổi cách bài trí của các quán cà phê, thương hiệu này đã tăng doanh thu mỗi cửa hàng lên 30%.
CEO Western Digital Việt Nam - ông Trương Bá Toàn - đưa ra ví dụ trên để minh chứng việc các ông lớn đang tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ra sao, từ đó giúp DN thu thập dữ liệu, phân tích, đưa ra những nhận định và quyết định phương án kinh doanh.
Western Digital chiếm tới 40% thị phần toàn cầu về cung cấp giải pháp lưu trữ cho các sản phẩm, đại diện đơn vị khẳng định, dữ liệu luôn luôn tồn tại và sẽ phát triển. Điều quan trọng là phải biết thu thập, sử dụng dữ liệu đầu vào sạch, chính xác.
Tại hội thảo bàn về tiềm năng của AI và phân tích dữ liệu hình ảnh mới đây, ông Tạ Quang Huy - CEO Hanwha Techwin Việt Nam - dẫn chứng, một chuỗi cửa hàng mỹ phẩm đã âm thầm sử dụng hệ thống camera AI đếm người.
Camera phân biệt được quầy hàng này thì đối tượng nào mua hàng, độ tuổi là bao nhiêu và khác với quầy hàng khác ra sao. Từ đó, DN bố trí lại gian hàng, phân loại khách hàng trẻ từ 18-20 tuổi, tách với lứa tuổi tầm trung có mức thu nhập cao hơn cũng như lọc được khách VIP.
Với dữ liệu hình ảnh thu từ camera AI, phân tích khách hàng, họ thay đổi cách bài trí phù hợp với hành vi mua sắm. Chuỗi mỹ phẩm này đã thành công và hiện có mặt ở 4 thành phố là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng.
Còn CEO Nova Technology - Andy Trần không che giấu tham vọng của Nova Group khi thành lập một đơn vị riêng, đầu tư lớn vào công nghệ và AI để thu thập, sử dụng các dữ liệu khách hàng. Tập đoàn này kỳ vọng doanh số bán hàng tăng trưởng tới 300%.
Trước đó, vào tháng 5/2021, nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đã rót 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần của Công ty The CrownX, đây là nền tảng tiêu dùng - bán lẻ sở hữu Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WCM). Theo thỏa thuận, WCM trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm trên Lazada.
Thông qua hợp tác này, WCM đã đồng bộ 9 triệu khách hàng sẵn có với 20 triệu khách hàng của Lazada nhằm tăng khả năng tiếp cận và sự hiểu biết về người tiêu dùng nhờ phân tích dữ liệu.
Tận dụng trí tuệ nhân tạo càng sớm càng tốt
Nghe thì rất hấp dẫn nhưng các DN nên bắt đầu từ đâu? “Càng sớm càng tốt” - đó là câu trả lời của ông Tạ Quang Huy.
Theo ông Huy, ngay cả với quy mô của DN nhỏ thì nên đầu tư một hệ thống vừa và nhỏ, có thể bắt đầu thu thập các nguồn dữ liệu liên quan đến đơn vị sớm. Bởi, chính dữ liệu cũng cần được học hàng ngày.
Ví dụ, một camera AI lần đầu nhìn thấy 2 xe máy chạy song song có thể nhầm lẫn đó là 1 chiếc ô tô. Song, nhà phát triển phần mềm sẽ định nghĩa lại, cập nhật thông tin vật thể để từ đó AI phân biệt được chính xác các phương tiện giao thông, lọc đúng dữ liệu cần dùng sau này. Quá trình học cứ thế tích lũy dần.
Tương tự, thời điểm dịch Covid-19, nhà máy sản xuất ổ cứng Western Digital ở Thái Lan phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến logistics. Trong khi, để tạo nên một ổ cứng cần sự cấu thành từ hàng nghìn linh kiện đầu vào, thậm chí có những linh kiện nhỏ hơn chiều dài ADN trong cơ thể.
Do vậy, phải đảm bảo có đủ linh kiện vào đúng thời điểm lắp ráp thành phẩm. Để giải bài toán giúp chuỗi vận hành không bị đứt quãng, DN gắn những con chip AI lên từng container hàng.
Thông tin hành trình các tàu di chuyển ra sao và vận chuyển linh kiện gì được phân tích. AI phán đoán tình hình dịch Covid-19 ở một quốc gia nào đó sẽ khiến hàng bị trễ trong bao lâu. Từ đó, đề xuất giải pháp thay thế hoặc đưa tàu hàng khác tới dự phòng. Đó là cách DN nước bạn áp dụng trong suốt thời gian dịch.
“Việc tận dụng AI giúp chi phí vận hành của nhà máy sản xuất ổ cứng giảm 32%; năng suất lao động tăng 60% và tiết kiệm cho Western Digital Thái Lan hàng trăm triệu USD trong năm qua do nguồn hàng đến kịp lúc và thành phẩm ra kịp thời”, CEO Trương Bá Toàn thông tin.
Dẫu vậy, để ra được thành quả là cả quá trình. DN đã nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu 15 năm nay chứ không phải mới xây dựng trong mùa dịch. Do đó, nếu muốn làm thì DN Việt phải bắt tay thu thập dữ liệu ngay từ bây giờ.
Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM - ông Trần Ngọc Liêm - khẳng định, AI và “big data” là những yếu tố cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu DN không ứng dụng AI, không thực hiện phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu hình ảnh sớm, thì sẽ bị chính các đối thủ giám sát hành vi người tiêu dùng trước và vượt mặt vào một ngày không xa.
Đối với ông Liêm, 3 yếu tố AI mang đến cho DN là tạo sự khác biệt; tối ưu hóa lợi ích; giúp xây dựng văn hóa dữ liệu.
Trong khi đó, CEO P.A.T Consulting - ông Phí Anh Tuấn nhận định, sự ồ ạt thông tin ngày nay phát sinh quá nhiều dữ liệu có ích và rẻ. Nếu biết sử dụng mạng xã hội thì có thể thu thập được dữ liệu theo đúng mục tiêu. Cộng với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, DN có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
“Các đơn vị kinh doanh nên sớm xây dựng những tài sản số. Hãy thu thập những dữ liệu có ích đầu tiên và đơn giản hóa những vấn đề phức tạp để bắt đầu cuộc chơi với AI”, ông Tuấn nói.