Mất thẻ ATM cần làm gì? Cách xử lý khi mất thẻ ngân hàng nhanh chóng và kịp thời
Mất thẻ ATM là một trong nhiều sự cố người dùng hay gặp phải. Khi bị mất thẻ ngân hàng cần làm gì? Bài viết dưới đây chia sẻ các trình tự xử lý nhanh chóng và kịp thời.
Nên xử lý thế nào khi bị mất thẻ ATM?
Khi bị mất thẻ ATM việc đầu tiên chủ thẻ cần bình tĩnh liên hệ với ngân hàng để yêu cầu khóa tài khoản. Việc này sẽ giúp hạn chế thiệt hại về tài chính như kẻ gian thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển khoản… từ thẻ ATM.
Nhanh chóng gọi đến tổng đài hỗ trợ của ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ tạm thời.
Đến trực tiếp chi nhánh/quầy giao dịch gần nhất của ngân hàng để thông báo và kịp thời được hỗ trợ.
Sử dụng ứng dụng của ngân hàng như Internet Banking/Mobile Banking bằng cách đăng nhập vào tài khoản của mình và chọn chức năng khóa thẻ.
Thực hiện khóa thẻ tại cây ATM thông qua hình thức quét mã QR Code hoặc mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký.
Hướng dẫn làm lại thẻ ATM khi bị mất
Các bước làm lại thẻ ngân hàng khi bị mất
Bước 1: Mang theo CMND/CCCD còn hiệu lực theo quy định của pháp luật đến trực tiếp chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng gần nhất nơi bạn đã hoặc muốn đăng ký mở thẻ.
Bước 2: Thông báo lại với nhân viên ngân hàng về trường hợp bị mất thẻ ATM và yêu cầu được nhân viên cấp lại thẻ ngân hàng mới.
Bước 3: Nhân viên sẽ đưa giấy đề nghị mở lại thẻ và khách hàng sẽ điền đầy đủ các thông tin cần thiết theo yêu cầu dựa trên mẫu đơn.
Bước 4: Nộp lại đơn cùng với CMND/CCCD để nhân viên xác nhận. Nếu kiểm chứng thông tin thành công thì nhân viên sẽ tiến hành mở tài khoản và làm thẻ mới.
Bước 5: Khách hàng nhận giấy hẹn lấy thẻ từ nhân viên và đến ngày lấy thẻ. Sau đó đổi mã PIN tại cây ATM hoặc qua ứng dụng của ngân hàng là có thể sử dụng bình thường.
Trường hợp bị mất các giấy tờ tùy thân quan trọng kèm theo mất thẻ ngân hàng thì có thể thực hiện một trong hai cách sau
Cách 1: Làm lại CMND/CCCD mới rồi đến ngân hàng làm thủ tục cấp lại thẻ.
Cách 2: Mang theo sổ hộ khẩu bản chính hoặc bản sao có công chứng đến ngân hàng để yêu cầu làm thẻ mới vì các ngân hàng hiện nay cũng chấp nhận việc làm lại thẻ bằng cách này.
Phí làm lại thẻ ATM tại các ngân hàng là bao nhiêu?
Thông thường, khi khách hàng thực hiện cấp lại thẻ mới hay thay thế thẻ cũ thì đều phải chịu một mức phí tùy thuộc vào quy định của các ngân hàng. Nhìn chung, mức phí làm lại thẻ ngân hàng sẽ giao động trên dưới 50.000 đồng.
Dưới đây là các mức phí làm lại thẻ tại các ngân hàng phổ biến ở Việt Nam:
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng BIDV: giao động từ 30.000 đến 100.000 đồng tùy loại.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng Eximbank: 50.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng Nam Á: 55.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng SHB: 50.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng SHC: 45.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng Techcombank: 100.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng VIB: 50.000 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng Vietinbank: 45.454 đồng.
Phí làm lại thẻ ATM ngân hàng Vietcombank: 45.454 đồng.
Lưu ý: Thông tin phí làm lại thẻ ngân hàng trên chỉ mang tính chất tham khảo và chưa bao gồm thuế VAT (10% số tiền). Tùy vào thời điểm khác nhau, cũng như chính sách khuyến mãi của các ngân hàng thì thủ tục và chi phí làm lại thẻ ATM bị mất sẽ thay đổi khác nhau hoặc miễn phí (có điều kiện bắt buộc kèm theo).
Có rút được tiền khi bị mất thẻ ATM?
Trong thời gian chờ cấp thẻ ATM hoàn toàn có thể rút được tiền mà không cần thẻ ngân hàng. Chỉ cần mang theo CMND/CCCD tới các phòng giao dịch hay chi nhánh ngân hàng mở thẻ để làm thủ tục rút tiền mặt. Chữ ký đúng với chữ ký khi đăng ký làm thẻ là có thể rút được tiền.
Các ngân hàng như: Vietcombank, TechcomBank, TPBank, VPBank, VietinBank, BIDV… có hỗ trợ rút tiền qua điện thoại mà không cần sử dụng thẻ ATM. Để thực hiện được giao dịch rút tiền không cần thẻ, tải ứng dụng ngân hàng về máy. Thông qua hình thức quét mã QR Code, khách hàng tới các cây ATM sau đó thực hiện quét mã QR và rút tiền như bình thường.
Bị mất thẻ ATM có bắt buộc phải đến chi nhánh đã phát hành thẻ để làm lại không?
Bị mất thẻ ATM chủ thẻ nên đến bất cứ chi nhánh/phòng giao dịch nào của ngân hàng đã mở thẻ để tiến hành làm lại thẻ bị mất. Vì các hệ thống của cùng một ngân hàng đều có cơ sở dữ liệu chung nên họ sẽ có thể dễ dàng đối chiếu và thực hiện cấp thẻ mới trong trường hợp mất thẻ ngân hàng.
Làm lại thẻ ATM sau bao lâu khách hàng được nhận lại thẻ?
Thời gian phát hành lại thẻ của mỗi ngân hàng là khác nhau vì thông thường sẽ phụ thuộc lớn vào nơi thực hiện làm lại thẻ ngân hàng. Việc cấp lại thẻ ngân hàng sẽ tốn thời gian giống như khi mở thẻ nên phải đợi trong một thời gian.
Theo quy định, thời gian chờ đợi cấp lại thẻ thường sẽ từ 7 - 14 ngày làm việc của ngân hàng.
Trường hợp làm mất thẻ và làm lộ thông tin thẻ ATM thì xử lý như thế nào?
Tại Điều 19 Thông tư 19/2016/TT-NHNN có quy định về xử lý trong trường hợp mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ như sau:
Bước 1: Chủ thẻ phải thông báo ngay cho ngân hàng khi mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ ATM.
Bước 2: Ngân hàng phải thực hiện ngay việc khóa thẻ khi nhận được thông báo của chủ thẻ về việc làm mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ ATM. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời thông báo lại cho chủ thẻ.
Tổ chức phát hành thẻ hoàn thành việc xử lý thông báo mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ ATM nhận được từ chủ thẻ trong thời hạn:
- Không quá 5 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp;
- Không quá 10 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ.
Để đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ, ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có trách nhiệm gì?
Tại Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 30/2016/TT-NHNN có quy đinh trách nhiệm của tổ chức phát hình thẻ phải đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ như sau:
- Tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý rủi ro khi phát hành các loại thẻ;
- Phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng về dịch vụ thẻ, thao tác sử dụng thẻ đúng quy trình, các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng thẻ và cách xử lý khi gặp sự cố, những hành vi bị cấm khi sử dụng thẻ và trách nhiệm của chủ thẻ khi vi phạm;
- Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro cho giao dịch thẻ theo các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động thẻ; bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ quản lý hoạt động phát hành, thanh toán thẻ vận hành thông suốt và an toàn;
- Thiết lập, duy trì đường dây nóng liên tục 24/7 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của chủ thẻ;
- Phối hợp với các tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ; thực hiện quản lý rủi ro đối với bên liên quan khác theo các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử;
- Cung cấp thông tin các thẻ có dấu hiệu gian lận, giả mạo cho cơ quan chức năng Điều tra về tội phạm thẻ; kiểm tra, rà soát hoặc phối hợp với cơ quan chức năng cập nhật danh sách thẻ cần phải từ chối thanh toán hoặc có dấu hiệu giả mạo cho tổ chức thanh toán thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ;
Phối hợp với cơ quan chức năng và các bên liên quan trong việc phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động thẻ và việc điều tra xử lý khi phát hiện tội phạm sử dụng thẻ theo quy định của pháp luật;
- Giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thanh toán bằng thẻ ra nước ngoài đúng mục đích, hạn mức sử dụng thẻ quy định tại Thông tư này và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Phí dịch vụ thẻ ngân hàng được quy định như thế nào?
Theo Điều 5 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ:
- Chỉ tổ chức phát hành thẻ được thu phí của chủ thẻ. Tổ chức phát hành thẻ thu phí theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài biểu phí đã công bố.
Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ. Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi.
Các hình thức thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 7 ngày và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
- Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận về việc thu phí chiết khấu đối với đơn vị chấp nhận thẻ. Việc chia sẻ phí giữa tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, tổ chức thẻ quốc tế do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.