'Mất tích' tại quê nhà nhưng Cao Sao Vàng vừa được người Nga làm quảng cáo miễn phí: Hình ảnh chỉn chu, chễm chệ 2 chữ Việt Nam
Đây là sản phẩm của một kênh Youtube tại Nga, sản xuất với mục đích hồi tưởng lại thương hiệu từng gắn bó với người dân nước này một thời.
Cao Sao Vàng là thương hiệu dầu gió đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, được mệnh danh là thương hiệu quốc dân, bên cạnh nhiều cái tên khác như diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình hay phích nước Rạng Đông.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường kéo theo việc xuất hiện ồ ạt các thương hiệu mới đã khiến hình ảnh cao Sao Vàng dần vắng bóng trên thị trường nội địa, cũng không được quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ấy vậy mà mới đây, một kênh youtube tại Nga đã đăng tải video dàn dựng và đầu tư công phu, với sự xuất hiện nhiều lần của lọ cao Sao Vàng Việt Nam. Theo tìm hiểu, kênh youtube này chuyên sản xuất những video mang tính chất giải trí, parody với các ý tưởng sáng tạo và được đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh.
Video phát hành vào tháng 7/2020 có tên (tạm dịch sang tiếng Việt) là “Thuốc mỡ “Sao Vàng” - phương thuốc điều trị mát lành”, được giới thiệu như một video quảng cáo cho cao Sao Vàng nhằm gợi nhớ lại một thương hiệu kỷ niệm, từng gắn bó với giới trẻ nước Nga một thời.
“Chúng ta đều nhớ mùi cay nồng tỏa ra từ hộp sắt nhỏ. Những kỉ niệm này mang ta về với căn nhà của bà ngoại, nơi rượu whiskey trở thành thứ thuốc bà chữa bách bệnh: từ đau đầu, sổ mũi cho đến viêm phổi”, đoạn ghi chú video cho hay.
Trong video kéo dài 40 giây, các diễn viên lần lượt truyền tay nhau, mở nắp và hít hà mùi hương đặc trưng tỏa ra từ chiếc hộp cao Sao Vàng nhỏ trong những bối cảnh khác nhau. Từng cảnh quay đều khá nghệ thuật và chỉn chu. Hiện video đã đạt hơn 23.000 lượt xem và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng Việt Nam.
Đình đám tại Liên Xô một thời
Thực chất, nếu tìm hiểu lịch sử phát triển của cao Sao Vàng, chúng ta sẽ thấy điều này cũng không quá bất ngờ.
Cao Sao Vàng được nghiên cứu và sản xuất từ sau năm 1954, dựa trên sản phẩm đã khá thông dụng trước đó là dầu cù nhãn hiệu con hổ trắng, xuất xứ Singapore. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường.
Tác dụng nổi bật của loại cao này là chống cảm, chuyên trị đau bụng, nhức đầu, sổ mũi, say tàu, xe... Hộp dầu xoa nhỏ bé có giá bán lúc đó chỉ vài hào, nhưng sớm trở thành vật phòng thân của nhiều người những khi trái gió, trở trời.
Đặc biệt, từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Do phải đảm bảo đủ số lượng cam kết xuất khẩu nên có đến 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Thời điểm kỷ lục, năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp.
Đó cũng chính là lý do cao Sao Vàng không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn được đặc biệt ưa chuộng tại Liên Xô một thời. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể.
Hiện nay, với việc xuất hiện của nhiều loại dược phẩm trên thị trường cùng xu hướng chuộng hàng ngoại của người dân mà cao Sao Vàng - dù giá rẻ, chất lượng tốt, ngày càng vắng bóng trên thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là từ năm 2013, sản phẩm này đã bật dậy, trở lại thị trường quốc tế bằng việc có mặt trên trang thương mại điện tử Amazon, ebay.Tại đây, cao Sao Vàng được bán với giá cao hơn đáng kể so với trong nước nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.
“Tôi sẽ mua lại sản phẩm này trong tương lai. Mùi rất tuyệt và tôi đã sử dụng nó hàng đêm với bắp chân của mình. Khi tôi bôi thuốc, vết ngứa trên chân sẽ biến mất trong vài giây và vài phút sau, tôi cảm nhận được sự làm mát nhẹ nhàng.
Tôi vẫn chưa sử dụng nó trên vết cắn của bọ nhưng tôi cho rằng nó sẽ hiệu quả”, một người dùng trên Amazon cho hay.
“Một số người hoài nghi có thể cười, nhưng sản phẩm này có ích cho chứng đau nửa đầu. Tất nhiên, đó là ý kiến cá nhân, tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, nó có ích. Tôi áp dụng nó trên cổ, trên thái dương và trán. Nó cũng hữu ích nếu bạn bị cảm lạnh”, một bình luận khác.