Mất tiền vì tin nhắn giả mạo Bộ Giao thông Vận tải
Mới đây, một số người đã nhận được tin nhắn giả mạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), yêu cầu liên lạc đến một số điện thoại lạ để đóng phạt.
Giả mạo tin nhắn Bộ GTVT
Về cơ bản, hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn (SMS Brandname) vốn không phải là mới bởi nó đã xuất hiện từ cuối năm 2020.
Tuy nhiên, kẻ gian ngày càng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi hơn, lắp đặt trạm BTS giả để giả mạo tin nhắn ngân hàng, tin nhắn từ Bộ GTVT… nhằm lừa người dùng cung cấp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thông thường, nội dung tin nhắn sẽ có dạng như sau: “Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hàng tháng là 2 triệu đồng. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào để hủy” hoặc gần đây nhất là “Bộ giao thông vận tải xin thông báo ông/bà có biên lai chưa nộp phạt. Hôm nay là thông báo cuối cùng, yêu cầu nhanh chóng giải quyết. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ ”.
Khi gọi lại số điện thoại trong tin nhắn, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng… để phục vụ cho việc điều tra hoặc đóng phạt?!
Nếu nhẹ dạ và cung cấp thông tin, tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn sẽ “không cánh mà bay”.
Trước đó, Phòng CSGT TP.HCM và công an các tỉnh thành cũng đã khuyến cáo người dân không làm theo hướng dẫn để đóng phạt nguội, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… dưới bất kì hình thức nào.
Trong trường hợp bị gọi điện đe dọa, bạn đọc nên liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Mới đây, trên mạng lại tiếp tục xuất hiện thêm một số trang web tra cứu giấy phép lái xe (GPLX) giả mạo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Bộ GTVT.
Để tránh bị nhầm lẫn khi tra cứu thông tin GPLX, hạn chế việc sử dụng GPLX giả, bạn đọc chỉ nên truy cập trực tiếp vào trang thông tin điện tử giấy phép lái xe tại địa chỉ https://gplx.gov.vn/.
6 cách để hạn chế mất tiền trong tài khoản ngân hàng
- Tuyệt đối không nhấp vào liên kết được gửi kèm trong tin nhắn, email… thậm chí kể cả khi chúng được gửi từ bạn bè hoặc ngân hàng (không loại trừ trường hợp tài khoản của bạn bè đã bị xâm nhập).
- Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ngân hàng, mã OTP (mật khẩu một lần), số thẻ ngân hàng… thông qua tin nhắn, email, mạng xã hội hoặc điện thoại cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng.
- Đặt mật khẩu khó đoán và có tối thiểu 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt.
- Sử dụng phương thức xác thực Smart OTP, Soft OTP… khi giao dịch trực tuyến, thay vì SMS OTP như hiện nay.
- Khi thực hiện việc chuyển khoản, người dùng cần phải chú ý lại địa chỉ trang web, xem có đúng là trang web của ngân hàng hay không.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo trên những phương tiện thông tin đại chúng.
Hi vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ phát hiện kịp thời và tránh được các chiêu trò lừa đảo.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/mat-tien-vi-tin-nhan-gia-mao-bo-giao-thong-van-tai-post697300.html