Mặt trái của những video việc tử tế

Không ít người dùng mạng xã hội đang nổi lên nhờ video thể hiện lòng tốt nhưng bên cạnh tấm lòng, nhiều người đang lợi dụng nó như một chiêu trò 'câu view'.

Những nội dung về lòng tốt đã sớm trở thành một đề tài thu hút người xem trên các nền tảng mạng xã hội. Và câu chuyện về việc vô tình được biết đến trên mạng xã hội đã trở nên thường xuyên hơn khi nghề sáng tạo nội dung số phát triển.

Trên TikTok, các hashtag như #randomactsofkindness (tạm dịch: việc tốt ngẫu nhiên) hay #helpingothers (tạm dịch: giúp đỡ mọi người) đều có lượt xem khổng lồ.

Tuy nhiên, kể từ khi video ngắn xuất hiện và ngày càng phổ biến, câu chuyện về việc đối tốt với người xa lạ dần trở thành một màn biểu diễn, một kiểu làm màu trên mạng, theo The Guardian.

 Giúp đỡ người khác dần trở thành một cách hút người xem được ưa chuộng trên mạng xã hội. Ảnh: NZ Herald.

Giúp đỡ người khác dần trở thành một cách hút người xem được ưa chuộng trên mạng xã hội. Ảnh: NZ Herald.

Lòng tốt thừa thãi

Maree (sống tại Melbourne, Úc) chia sẻ bà đã trở thành nhân vật chính bất đắc dĩ trong một video TikTok. Maree kể lại rằng bà đang đi dạo thì một chàng trai bất ngờ tiến lại gần và nhờ cầm hộ một bó hoa để anh ta mặc áo khoác. Khi bà nhận hoa, anh chàng này quay người đi và nói chúc một ngày tốt lành.

“Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Tôi ước gì đã tin vào trực giác của mình và từ chối anh ta ngay lúc đầu”, bà nói.

Sau đó, khi phát hiện thấy có 2 người khác đang đứng quay hình ở cách đó không xa, Maree đã tới hỏi xem có phải họ đang quay mình không thì nhận lại lời phủ nhận.

Tối cùng ngày, bà nghe được tin hình ảnh của mình đang xuất hiện trên một clip TikTok. Vốn ít sử dụng mạng xã hội, Maree không mấy để tâm đến vấn đề này cho đến khi nhìn thấy một bài báo về nó.

 Không ít người thấy khó chịu khi bất ngờ trở thành một phần trong chiêu trò nổi tiếng của các nhà sáng tạo nội dung. Ảnh: Daily Star.

Không ít người thấy khó chịu khi bất ngờ trở thành một phần trong chiêu trò nổi tiếng của các nhà sáng tạo nội dung. Ảnh: Daily Star.

Nam thanh niên tặng hoa cho bà là Harrison Pawluk, TikToker thường xuyên làm video ôm hoặc tặng quà cho người lạ. Anh ta đã đăng video mình tặng hoa cho Maree với chú thích “Tôi hi vọng điều này có thể giúp người phụ nữ ấy cảm thấy tốt hơn”.

Video đã nhận về hơn 52 triệu lượt xem, 10 triệu lượt thích và đa số người xem đều cảm thấy cảm động với nó.

Trước cử chỉ “ấm lòng” của anh, một bài báo đưa ra nhận định rằng chắc hẳn Maree, người cầm hoa đã xúc động rơi nước mắt.

Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác, đó là một ngày khá vui vẻ đối với Maree.

Bà bức xúc: “Thật là xấu tính khi cố tình đưa người ta vào kịch bản lâm ly bi đát của mình. Tôi có thể đã hơn 60 nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình già hết. Và tôi thật sự khó chịu khi bị nhìn như một người phụ nữ già nua. Anh ta đã xâm phạm quyền riêng tư của tôi và khiến mọi người hiểu lầm. Tôi thấy mình như một công cụ vì có vẻ anh ta kiếm được khá nhiều tiền từ điều đó”.

Nổi tiếng bất đắc dĩ

Hàng triệu người đang kiếm sống từ những lượt theo dõi trực tuyến trên mạng xã hội. Giờ đây, cả thế giới như biến thành một sân khấu mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nhân vật chính trong cảnh quay của người khác.

Sự mâu thuẫn giữa quyền tự do ngôn luận của người sáng tạo nội dung và quyền riêng tư của người không liên quan ngày càng trở nên căng thẳng. Đối với khán giả đã quen xem về cuộc sống của người lạ, những kịch bản như của Pawluk có thể chưa bị coi là xâm phạm không gian riêng tư.

Sonia Livingstone, giáo sư truyền thông và truyền thông tại Trường Kinh tế London, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ có thể bị phơi bày một cách khó tin, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể bị hướng ống kính vào”.

Thêm vào đó, việc xác định nghề nghiệp tạo nội dung hoặc người có ảnh hưởng không hề dễ dàng. Do đó và những quy tắc đạo đức hay quy tắc nghề nghiệp cũng rất khó để theo dõi.

 Với sự phát triển của các nền tảng số, mọi người dễ dàng bị bắt gặp, ghi hình và bị biết đến dù có muốn hay không. Ảnh: Plum Deluxe.

Với sự phát triển của các nền tảng số, mọi người dễ dàng bị bắt gặp, ghi hình và bị biết đến dù có muốn hay không. Ảnh: Plum Deluxe.

Đồng thời, hậu quả mà các sản phẩm truyền thông này gây ra cũng như mức độ chấp nhận của mỗi người với việc hình ảnh bị chú ý là khác nhau nên việc phán đoán lợi và hại vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

“Mọi người đang sống trong thế giới của riêng mình. Mẹ tôi sẽ khó mà biết điều gì đang xảy ra trên TikTok nhưng TikTok có thể cuốn bà vào thế giới của nó”, Livingstone nói.

Đối với người làm nội dung về lòng tốt, sự chú ý đôi khi có nghĩa là sự ủng hộ. Nghĩa là khán giả hoan nghênh việc những người sáng tạo nội dung này làm, bởi nó tạo ra động lực và có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người làm điều tương tự.

Mặt khác, những video này cũng có thể trả tiền cho họ từ lượng khán giả khổng lồ và hợp đồng tài trợ. Cũng đồng nghĩa với việc hành động này không hẳn xuất phát từ lòng tốt mà là công cụ kiếm tiền cho người tạo ra nó.

Ở trường hợp của Pawluk, anh nói rằng mình luôn xin phép trước khi đăng tải video lên mạng xã hội. Nhưng trên thực tế, anh thường quay phim không báo trước và đưa ra điều kiện xóa các cảnh quay không mong muốn để thuyết phục nhân vật đồng ý. Cuối cùng, video vẫn được đưa lên theo ý của anh ta và không có cảnh nào bị cắt.

Thế nhưng, đồng ý không phải là tất cả mà sự chấp thuận đó còn phải đến từ hiểu biết. Nhân vật phải hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra khi để người khác sử dụng hình ảnh của mình bởi kết quả của những nội dung trực tuyến này rất khó dự đoán và gần như không thể kiểm soát được.

Bình Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-trai-cua-nhung-video-viec-tu-te-post1399229.html