Mặt trái của truyền hình thực tế
Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2016, truyền hình thực tế cung cấp cho người xem những chuyện xảy ra trong thời gian thật. Chỉ 4 năm sau đó, nó nhanh chóng thu hút một lượng khán giả khổng lồ với 153 triệu lượt người xem trên toàn thế giới.
Nhưng càng về sau, một số chương trình truyền hình thực tế đã bộc lộ những điều tồi tệ đến mức các nhà giáo dục, xã hội học phải đặt câu hỏi: “Họ đã đào tạo kỹ năng sống cho con cháu chúng ta như thế nào?”…
1. Ở chương trình truyền hình thực tế lần đầu tiên quay trực tiếp theo thời gian thật, người xem chứng kiến 23 nam nữ thanh niên tuổi từ 16 đến 26 tìm cách để sống sót trong suốt 1 năm tại một hòn đảo hoang vu trên biển Ardnamurchan, phía Tây Scotland. Tất cả đều không được phép mang theo điện thoại, bật lửa, lều bạt, chăn mền, nồi niêu xoong chảo, dao rựa, bình đựng nước…
Ann, thiếu nữ 18 tuổi kể lại: “Ngay khi từ trên tàu bước xuống, chúng tôi vẫn chưa hình dung mình sẽ như thế nào. Tất cả đều ngây ngất trước vẻ đẹp hoang sơ với những bờ đá lởm chởm, những rặng phi lao và những con sóng liên tục vỗ bờ. Hơn nữa, còn có cả một ê kíp quay phim đi theo nên ai nấy đều chủ quan, cho rằng mình sẽ sống tốt…”.
Thế nhưng khi hoàng hôn buông xuống, cả 23 con người bắt đầu đối diện với sự thật. Richard, 24 tuổi nói: “Tôi hỏi đạo diễn rằng đêm nay sẽ ngủ ở đâu thì ông ấy trả lời “cô cậu tự lo”. Khoảng chừng nửa tiếng, họ rút đi chỗ khác, chỉ để lại 2 người quay cảnh chúng tôi chuẩn bị chỗ ngủ…”.
Chẳng còn cách nào khác, những nam nữ thanh niên nêu trên quyết định đi sâu vào rừng để tránh gió rồi bẻ những cành dương liễu trải lên mặt cát làm giường. Đêm ấy, họ co quắp vì lạnh, vì đói và vì khát. Đến sáng, có vài người tỏ ý muốn bỏ cuộc nhưng họ biết rằng tất cả mọi hành động, lời nói, việc làm của họ đều được thu hình, trực tiếp lên sóng. Richard nói tiếp: “Chúng tôi chia nhau tìm kiếm những đồ vật có thể sử dụng. Vài người nhặt được mấy cái vỏ chai nước khoáng bị sóng đánh dạt vào bờ, người khác tìm thấy mảnh lưới rách, vài cái lon đồ hộp bằng thiếc rỉ sét”. Cảnh quay thực tế cho thấy một thanh niên đã cạy mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay của anh rồi đổ nước vào, biến nó thành thấu kính hội tụ ánh nắng mặt trời, nhóm lên một đống lửa… Một cảnh quay khác cho thấy những người tham gia nướng những con ốc, những con cá nhỏ mà họ bắt được trong những vũng nước rồi chia nhau ăn.
Đạo diễn Brannon cho biết sang tháng thứ hai, chương trình đã thu hút khoảng 60 triệu người xem cả ở châu Âu lẫn châu Mỹ. Ông nói: “Mỗi ngày chúng tôi phát sóng 3 buổi, mỗi buổi 60 phút. Các kênh truyền hình trả tiền như National Geographic của Anh; Fox News, Discovery, CBS của Mỹ; France 24, của Pháp; Rai của Italia… đều trực tiếp truyền đi. Nó đã đạt được thành công ngoài mong đợi…”.
Tuy nhiên đến tháng thứ 3, chính quyền Scottland ra lệnh chấm dứt chương trình này với lý do “những người tham gia đã xâm phạm, can thiệp vào cảnh quan thiên nhiên một cách bừa bãi và vô ý thức”, chưa kể nhóm quay phim còn tiết lộ rằng “một đêm có chiếc thuyền kayak lén lút cặp bờ, mang theo sôcôla, bia và vài loại thực thẩm khác, tiếp tế cho bạn bè” nhưng chuyện này được giấu kín, có lẽ để khỏi ảnh hưởng đến những buổi phát sóng đang rất ăn khách. Brannon nói ông và êkíp làm phim rất tiếc vì quyết định của nhà cầm quyền Scottland nhưng biết làm sao được vì để tồn tại trong tự nhiên, khó có thể cấm những người tham gia có những hành động tổn hại đến môi trường.
2. Đầu năm 2017, một chương trình truyền hình thực tế khác xuất hiện dưới cái tên “Paradise Lost” (Thiên đàng đã mất) gồm 5 phần, mỗi phần kéo dài 6 tháng, lấy bối cảnh là những khu rừng hoang vu chưa hề có dấu chân người ở Namibia, châu Phi với sự tham dự của 15 nam nữ thanh niên tuổi từ 18 đến 21. Ngay trong phần đầu tiên, khán giả đã sửng sốt khi chứng kiến cảnh một số thành viên ăn thịt kỳ đà sống vì không nhóm được lửa. Đến gần cuối tháng thứ 3, tất cả bọn họ bị tiêu chảy nặng vì nhiễm vi khuẩn sau nhiều lần uống nước trực tiếp từ một con lạch.
Nadia, 18 tuổi cho biết cô và các bạn phải “xin dừng lại để được đưa vào bệnh viện vì nếu không chúng tôi sẽ chết”. Thế nhưng những sự cố có thể dẫn đến thảm kịch lại không khiến số đông khán giả e dè mà ngược lại, họ càng muốn truyền hình thực tế càng có nhiều kịch tính. Ông George Osborn, phụ trách bản quyền của Paradise Lost nói: “Doanh số quảng cáo tăng vọt vào giờ phát hình nên các nhà đài yêu cầu chúng tôi tiếp tục phần 2”.
Ở phần 2, Paradise Lost mở màn với 40 trẻ em từ 10 đến 15 tuổi, quay và phát hình trực tiếp tại bang New Mexico, Mỹ. Trong phim, các em phải tự điều hành một thị trấn bỏ hoang mà chẳng hề có sự cố vấn hoặc can thiệp của người lớn. Thị trấn không có điện, không nhà tắm, không nhà bếp, nước lấy từ một giếng khoan với chiếc vòi bơm tay nhưng không được khử trùng. Laurel McGoff, 12 tuổi sau này nhớ lại: “Tất cả phải nghỉ học trong suốt thời gian quay phim. 40 người chúng tôi đến từ 48 bang trên toàn nước Mỹ nhưng không có bạn nào ở New York hoặc California vì 2 bang này có luật bảo vệ trẻ vị thành niên rất nghiêm ngặt”.
Bà Madelen, mẹ của một thành viên tham gia chương trình truyền hình thực tế nói: “Tôi sững người khi nhìn thấy con tôi mặt mũi bẩn thỉu, áo quần nhem nhuốc. Có lẽ nhiều ngày nó không được tắm. Khi liên lạc với một thành viên trong ban tổ chức, họ cho biết con tôi vẫn ổn nhưng họ từ chối không cho tôi nói chuyện với nó vì điều này đã được quy định khi tôi ký hợp đồng…”.
Vẫn theo bà Madelene, qua tìm hiểu bà biết ít nhất 12 trẻ đã phải bỏ cuộc nửa chừng vì không chịu đựng nổi. Khi phần 2 kết thúc, con trai bà về nhà và đã mất 6kg cân nặng nhưng may mắn là nó không thương tích hoặc bệnh tật gì ngoài việc thèm ăn dữ dội vì đói. Bà nói: “Ám ảnh tâm lý kéo dài đến nỗi hơn 1 tháng sau khi trở lại cuộc sống đời thường, con tôi vẫn nhặt những cái chai đựng nước đã hết mà mấy người hàng xóm vứt trong thùng rác. Khi hỏi nó, nó hồn nhiên trả lời “để dự trữ nước vì mỗi lần bơm, tốn rất nhiều công sức…”.
Tuy nhiên đó vẫn chưa là gì so với chương trình truyền hình thực tế mang tên “Who's Your Daddy” (Ai là cha của bạn?) do Fox TV phát sóng. Trong chương trình ấy, một thiếu nữ trẻ được cho làm con nuôi khi còn rất nhỏ phải tìm cách nhận ra ai là cha ruột của cô trong số 8 người đàn ông ở xung quanh cô trong trường quay. Được phép sử dụng mọi phương pháp cả bằng lời nói lẫn hành động, nếu cô đoán đúng thì phần thưởng dành cho cô sẽ là 100.000 USD còn nếu đoán sai, người đàn ông mà cô đoán sai sẽ nhận số tiền này.
Trên màn hình, người xem thấy cô gái lần lượt đi quanh từng người đàn ông, nhìn ngắm, sờ mó khuôn mặt, tay chân, tính toán chiều cao, vóc dáng, màu tóc, màu mắt để so sánh. Người xem cũng nghe rõ một ông nói với cô: “Ba muốn con biết rằng con được thụ thai trong tình yêu tuyệt đối của ba với mẹ con" và câu nói đã khiến cô bật khóc dẫu rằng kết quả cô đã đoán sai. Một cô gái khác sau hơn nửa tiếng quan sát đã hỏi ban tổ chức “có thể thử ADN được không” khiến mọi người cười ồ.
Thế nhưng bên cạnh những lời khen ngợi thì dù mới chỉ phát sóng tập đầu tiên nhưng Who's Your Daddy đã hứng chịu vô số chỉ trích, dẫn đến những phần còn lại không bao giờ được thực hiện. Người phát ngôn của Tổ chức Hội cha mẹ nuôi quốc tế nói: “Who's Your Daddy là một thứ gì đó vô cảm và xúc phạm, không chỉ với con nuôi mà còn cả với những người nhận nuôi”. Bà Deborah Capone, người đứng đầu chiến dịch tẩy chay kênh truyền hình Fox cho biết bà đã yêu cầu một cuộc đối chất với những người duyệt trương trình của Fox: “Bằng cách biến các cuộc đoàn tụ giữa con nuôi và cha mẹ ruột của họ thành một game show, Fox đã xúc phạm đến cái phần thiêng liêng nhất của những cá nhân bị ly tán khỏi gia đình”.
Sự chống đối ngày càng gia tăng đã khiến nhà sản xuất, điều hành là Kevin Healey phải dừng lại dù Who's Your Daddy vẫn còn đến 7 tập. Chưa hết, Fox còn gặp một rắc rối: Nhà sản xuất Wife Swap thuộc kênh truyền hình RDF tuyên bố sẽ kiện Fox TV để đòi bồi thường ít nhất 10 triệu bảng Anh với lý do một chương trình thực tế khác của Fox là “Meet Your New Mommy” (Gặp người mẹ mới của bạn) là “trường hợp trộm cắp bản quyền trắng trợn nhất trong lịch sử thể loại truyền hình thực tế”.
Với kênh truyền hình CBS, chương trình thực tế mang tên “Survivor” (Kẻ sống sót) sau khi phát sóng cũng gặp phải những phản ứng dữ dội của người xem. Vợ chồng McGoverno, có đứa con trai 15 tuổi tham gia Survivor nói: “Lũ trẻ phải ngủ trên sàn nhà, không nệm, không chăn gối, 3 ngày mới được tắm một lần và cũng trong 3 ngày ấy, nếu chúng không tự tìm được thức ăn thì mỗi đứa chỉ được phát 1 miếng bánh mì sandwich. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người lớn tham gia chương trình này và suốt 60 ngày, họ đồng ý không đánh răng, không tắm rửa nhưng với lũ trẻ chỉ từ 15 đến 18 tuổi, đó có phải là cách dạy cho chúng sinh tồn và đó có hợp pháp hay không?”.
Với Laurel McGoff, người đã tham gia chưng trình truyền hình thực tế Paradise Lost lúc 12 tuổi nói: “Mãi đến khi vào đại học, tôi mới nhận được cuộc gọi từ một công ty bảo hiểm. Họ cho biết: “Này Laurel, cô vẫn còn nợ tiền chữa trị bong gân mắt cá chân hồi năm 2017” và tôi trả lời: “Ồ! Chứ chẳng phải kênh truyền hình CBS đã thanh toán hóa đơn y tế cho tôi rồi sao? Bây giờ tôi mới biết những kẻ tồi tệ đó đã không trả tiền!”
3. Và không chỉ Anh, Mỹ, ngay cả nước Pháp cũng vướng phải những chuyện không may khi làm truyền hình thực tế. Năm 2013, Công ty Adventure Line Productions, Pháp, khi thực hiện loạt phim Survivor, phiên bản tiếng Pháp đã phải dừng lại khi một thành viên 25 tuổi là Gérald Babin bị ngừng tim rồi chết sau cuộc thi kéo co ở đảo Koh-Lanta, Campuchia. Lúc xuất hiện những lời đồn đoán rằng cái chết của Babin hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu Công ty Adventure thực hiện những biện pháp cấp cứu kịp thời thì 1 tuần sau, bác sĩ Thierry Costa, người đã trực tiếp điều trị cho Babin tự tử. Trong thư tuyệt mệnh, bác sĩ Thierry Costa viết: “Tôi chắc chắn rằng đã đối xử với Gerald một cách tôn trọng như một bệnh nhân chứ không phải như một cá nhân tham gia chương trình…”.
Năm 2015, một thảm kịch khác lại xảy ra với Adventure. Trong quá trình quay chương trình sinh tồn Dropped ở vùng Patagonia, Argentina, trực thăng chở 3 người tham gia là thủy thủ Florence Arthaud, võ sĩ quyền Anh Alexis Vastine và Camille Muffat - vận động viên bơi lội giành huy chương vàng Olympic, đến vùng núi của tỉnh La Rioja để thực hiện cảnh quay “bịt mắt nhảy từ trực thăng xuống một nơi khắc nghiệt nhất thế giới” nhưng không may, trực thăng của đoàn quay phim đã va chạm với trực thăng chở 3 thành viên khiến tổng cộng 10 người thiệt mạng. Ra tòa, Công ty Adventure bị cáo buộc 30 tội danh, chương trình truyền hình thực tế Dropperd cũng vĩnh viễn chấm dứt…
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/mat-trai-cua-truyen-hinh-thuc-te-i743119/