Mặt trái đáng lo của 'phố ăn nhậu sinh viên'
Xung quanh khu Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM có rất nhiều quán nhậu, bida, karaoke, tiệm Internet... Hàng trăm cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí nằm san sát, chủ yếu phục vụ giới sinh viên, thời gian hoạt động thường từ 15 giờ đến tận 2 - 3 giờ sáng hôm sau. Tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến 'phố ăn nhậu sinh viên' rất sôi động, nhưng cũng có nhiều mặt trái đáng lo ngại.
Phố khói, phố mùi
Khu Ký túc xá Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM rộng khoảng 42 héc-ta nằm trong "làng" ĐH Quốc gia TPHCM rộng hơn 640 héc-ta, tọa lạc tại địa bàn giáp ranh giữa P.Đông Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương) với P.Linh Trung (TP.Thủ Đức, TPHCM). Tại làng ĐH này, có hàng chục trường ĐH như: Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn, Công nghệ thông tin, Quốc tế... Nhìn bề ngoài khu vực này có vẻ yên bình, nhưng đi sâu vào bên trong lại không yên tĩnh chút nào.
Khi chúng tôi chạy xe máy vào khu vực trên, nhiều nhân viên của các quán nhậu ra tận giữa đường vẫy tay mời mọc, chèo kéo. Từ cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên đến khu vực Trường ĐH Bách khoa chỉ khoảng 700m, nhưng có hàng loạt quán nhậu thịt cầy, bê thui, thỏ 7 món, hải sản..., cùng những quán cà phê với tiếp viên ăn mặc khá "mát mẻ”. Đoạn đường cách Trường ĐH Khoa học tự nhiên gần 300m được xem là khu vực điển hình của "phố ăn nhậu sinh viên": quán nối quán, là điểm tập kết nổi tiếng của "dân nhậu" với đủ các món ăn. Trong không gian đặc quánh mùi bia rượu, thức ăn và nhiều thứ mùi khác là đủ các thành phần, cùng những tiếng "dô, dô..." ầm ĩ. Đáng lo ngại là một phần không nhỏ học sinh, sinh viên cũng làm quen với rượu, bia.
Mới 3 - 4 giờ chiều, nhiều quán nhậu đã mở hàng. Hàng chục lò nướng được kê san sát ngay lề đường, bàn ghế được bày ra phía ngoài. Con đường rộng khoảng 12m có đến hàng chục quán nhậu quy mô lớn, như: lẩu N.U, dê núi N.B, bò kho - bánh xèo, các quán ốc K.T, X.M, H.P, những nhà hàng L.T, B.M. Chúng tôi rảo một vòng những "con đường ăn nhậu" quanh Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM khi trời vừa sập tối, chứng kiến số lượng sinh viên ra vào các quán nhậu mỗi lúc một đông hơn. Nhiều quán đông đến mức không còn chỗ ngồi, như quán dê núi N.B, lẩu cá, lẩu Thái...
Có "chất cay" thì học bài mới vô!?
Quanh Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, càng về khuya các quán nhậu càng đông, không khí sư phạm ở đây mất hẳn, nhường chỗ cho một "làng nhậu" tưng bừng với những tiếng cụng ly ồn ào. Anh Nguyễn Đăng Khoa (chủ một quán cơm ở đây) cho biết, từ 17 giờ trở về khuya, ánh đèn các quán nhậu bật lên sáng trưng, khách ra vào nườm nượp, phần lớn là sinh viên. Tại quán nhậu S.Đ, khi chúng tôi vừa kéo ghế ngồi chưa đầy 5 phút thì có một nhóm sinh viên còn mặc đồng phục thể dục bước vào. Sau chưa đầy nửa tiếng, nhóm sinh viên trên đã đỏ bừng mặt, mắt lờ đờ, đứng dậy ra về. Kẻ đi xe máy thì rồ ga, nẹt pô, lạng lách, còn người đi bộ thì quàng vai nhau, chân loạng choạng, miệng nói không thành tiếng hoặc huyên thuyên bốc đồng...
Tại quán nhậu N.U, qua trao đổi, sinh viên K. cho biết thời học phổ thông cậu không biết đến một giọt bia, rượu, chỉ biết cắm đầu vào việc học. Ngày đậu ĐH, bạn bè kéo K. đi ăn mừng, lúc đó uống vài ly bia thấy miệng đắng nghét. Sau khi nhập học vài tháng, nhiều bạn mới kéo K. đi nhậu. Lúc đầu chỉ uống vài ly, lâu dần thành quen, K. sa lầy. Cậu chia sẻ: "Bây giờ ai nói tui là bợm nhậu, tui mặc kệ. Chiều làm sương sương vài ly, tối ngủ thẳng cẳng, sáng mai đi học mới... khỏe!".
Nhậu thì không cần lý do, vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu. Theo lời K., khi một cậu bạn cùng phòng có người yêu, cả nhóm kéo đi nhậu để chúc mừng và ra mắt cô bạn gái. Hôm đó, cả nhóm say túy lúy. Sau đó, cậu bạn bị người yêu giận, cả nhóm lại kéo đi nhậu "an ủi". Tới khi bạn làm lành với người yêu, cả phòng lại đi nhậu "chia sẻ”... Phòng có 6 người, nhưng tuần nào cũng tìm ra vài lý do để... nhậu.
Một điểm đáng chú ý là quán nhậu không chỉ dành cho nam giới, nữ giới cũng đến quán nhậu, đủ mọi thành phần. Nhiều chị em tỏ ra sành điệu từ nghệ thuật rót bia không bọt, không trào, nhấp một ngụm là biết rượu có pha cồn hay không... Có những chị em khi quá chén cũng gương mặt đỏ ké, mắt lờ đờ, dáng đi ngật ngưỡng... ở quanh Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM. Nữ sinh viên L. (quê Khánh Hòa) nói: "Ăn cơm nhiều cũng ngán. Mỗi dĩa cơm 25 ngàn, cả phòng 8 đứa hết 200 ngàn, dư mua một nồi lẩu. Vì vậy nên tụi em rủ nhau ra quán kêu nồi lẩu với vài lon bia uống lai rai, vừa nóng hổi, ngon lành mà còn có chất "cay" vào người, học bài mới... vô”. L. tiết lộ rằng các bạn gái ở chung phòng cô nhậu ít nhất 2 lần/tuần.
Việc tập trung nhiều quán nhậu quanh khu Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Còn nhớ Công an TP.Thủ Đức từng bắt giữ 3 sinh viên Nguyễn Tiến Thành (quê Hà Nam), Trần Hữu Nghị, Đào Ngọc Thỏa (cùng quê Gia Lai). Trước đó, cả ba rủ nhau đi nhậu ở KP5, P.Linh Trung, thấy hai anh Đặng Quốc Thoại và Nguyễn Thanh Phương (quê An Giang) ngồi bàn kế bên nên mời qua bàn mình nhậu chung. Nhậu một lúc thì hai bên xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc xô xát, nhóm Thành gây thương tích cho anh Thoại và nạn nhân đã tử vong sau đó.
PGS.TS Dương Anh Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:
Gần đây, các phương tiện truyền thông phản ánh thông tin về một số sinh viên có những biểu hiện chưa tốt; tình trạng sinh viên tụ tập ăn nhậu, mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Nắm bắt những vấn đề đó, ĐH Quốc gia TPHCM luôn tăng cường phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhằm chăm lo giáo dục về đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh cho sinh viên; đồng thời khuyến khích, biểu dương sinh viên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Bà Phùng Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM:
Trong những năm gần đây, Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM luôn tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, không để xảy ra tình trạng sinh viên sử dụng ma túy, uống rượu bia, gây rối trật tự công cộng và các hình thức cờ bạc. Ban quản lý Ký túc xá luôn xác định công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng phong trào, đưa nhiệm vụ này vào chương trình hàng năm tại đơn vị; phối hợp tổ chức Công đoàn phát động phong trào ký túc xá không hút thuốc lá, phong trào chấp hành luật giao thông...
Cạnh đó, tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, "nói không" với ma túy và mại dâm học đường, không uống rượu bia, gây rối trật tự công cộng và các hình thức cờ bạc trong ký túc xá; nghiêm chỉnh chấp hành trật tự kỷ cương, nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Để bảo đảm công tác an ninh trật tự, Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM luôn phối hợp, giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan công an, chính quyền địa phương, các đơn vị thành viên để thông tin kịp thời khi có vụ việc về an ninh trật tự xảy ra. Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM cũng phối hợp với chính quyền địa phương và Công an TP.Dĩ An, Công an TP.Thủ Đức thực hiện các quy chế, quy định, kế hoạch về công tác an ninh trật tự.
Mục đích của Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM là xây dựng mạng lưới an ninh sinh viên trong các tòa nhà, phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên cùng viên chức, người lao động các phòng, ban, nhằm phát huy sức mạnh của sinh viên và quần chúng trong công tác quản lý trật tự trị an cho sinh viên.