Mặt trái kinh tế thị trường hay sự xuống cấp văn hóa?

Trước đây, chúng ta từng đề cao triết lý 'khách hàng là Thượng đế', rằng trong kinh doanh 'khách hàng luôn luôn đúng'. Sau một thời gian nhìn lại thấy triết lý này quả là bất ổn. Nó không chỉ sai về mặt nhận thức mà còn gây hậu quả cho văn hóa.

Trong cơ chế bao cấp, khách hàng chưa thể xác lập vị trí của mình, còn trong nền kinh tế thị trường, khách hàng nhằm chỉ nhóm đối tượng trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ. Chuyển từ tình trạng bất cập sang thái quá, chúng ta đưa đẩy khách hàng tới vị trí quyền uy, tuyệt đối như Thượng đế, hay độc quyền tiếp cận chân lý, như “luôn luôn đúng”. Khách hàng cũng là con người, mà đã là con người ai cũng có đúng, sai. Triết lý “khách hàng là Thượng đế” tạo điều kiện cho những người đứng ở vị trí trả tiền mua hàng tự tôn quyền lợi một cách thái quá.

Xét ở chiều ngược lại, không thiếu trường hợp làm ăn chụp giật, cung cấp sản phẩm không đúng như cam kết, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Những tình trạng này được sản sinh do sự buông lỏng của cơ quan quản lý, của căn bệnh quan liêu trong các khâu kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật.

Nền kinh tế thị trường tự thân cũng chịu sự ràng buộc về pháp luật, chẳng phải thấy lừa được là cứ tranh thủ lừa. Trong nền kinh tế thị trường, chất lượng sản phẩm vô cùng quan trọng. Nó tạo nên mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Nếu xảy ra lỗi lầm, lừa dối, gây mất lòng tin thì cơ hội để sản phẩm ở lại với thị trường rất mong manh. Để khẳng định thương hiệu, đứng vững trên thị trường, nhiều doanh nghiệp phải trải qua hàng trăm năm phát triển, như các hãng xe Ford của Mỹ, Mercedes của Đức, Hitachi của Nhật, đồng hồ Rado của Thụy Sỹ... Các lĩnh vực đặc biệt hơn như y tế, giáo dục còn phải mất hàng mấy trăm năm mới gây dựng được uy tín, chất lượng, sự quyền uy trong giới chuyên môn. Trong nền kinh tế thị trường, sai lầm của doanh nghiệp này trở thành cơ hội cho doanh nghiệp khác.

Xem ra, phương châm lấy khách hàng làm “Thượng đế” phơi bày thuộc tính hai mặt của cả đơn vị kinh doanh lẫn khách hàng, nói rộng ra là nền kinh tế và văn hóa. Hiện tại, văn hóa đang phải oằn mình gánh chịu hậu quả này.

Trong đời sống, chúng ta bắt gặp vô vàn thói quen hình thành từ tình trạng nuông chiều thái quá. Những thói quen không chỉ thể hiện tính ích kỷ, tự tư tự lợi, thiếu trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng mà còn cho thấy sự sa sút, xuống cấp về đạo đức, văn hóa xã hội.

Không khó bắt gặp ở chốn công cộng, nhiều người sẵn sàng đổ bỏ thức ăn dư thừa hay vứt rác một cách bừa bãi; trong bãi đậu xe, có người chỉ biết dừng xe mà không có ý thức sắp xếp đúng nơi quy định... Nhiều người có thói quen chừa việc cho người khác. Trong các cơ quan thường xuyên xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; ngoài xã hội thì thiếu ý thức công dân. Trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ hay kết thúc một công việc chưa trở thành phổ biến. Dưới góc nhìn văn hóa, những vấn đề này ảnh hưởng tới chất lượng xã hội. Khi nhiều người có thói quen “làm cho có” chứ không “làm cho tới” thì chất lượng xã hội chưa thể nâng lên.

Trong nhiều hiện tượng thể hiện sự sa sút về văn hóa ở xứ ta, rất nhiều tình huống bị gán cho nền kinh tế thị trường, nhưng thực ra đó là tình trạng xuống cấp về văn hóa. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều theo thể chế kinh tế thị trường, thậm chí, một thị trường tự do như ở Mỹ song văn hóa, đạo đức, lối sống vẫn phải tuân theo chuẩn mực và những quy định của pháp luật.

Lê Hải Đăng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291305/mat-trai-kinh-te-thi-truong-hay-su-xuong-cap-van-hoa.html