Mặt trái trào lưu mặc đồ trẻ em để khoe dáng ở Trung Quốc
Đăng tải các bức ảnh diện trang phục trẻ em để khoe thân hình thon thả, nhiều cô gái bị chỉ trích là kém duyên, cổ xúy sự phân biệt ngoại hình, cân nặng.
Trên nền tảng Little Red Book, ứng dụng chia sẻ phong cách sống phổ biến ở Trung Quốc, gần đây liên tục xuất hiện các bài đăng dạng "thử đồ trẻ em ở Uniqlo" hay "cô gái mảnh mai thử đồ trẻ em".
Cụ thể, các cô gái chia sẻ ảnh mặc đồ trẻ em, thường là áo phông có màu sắc và họa tiết sặc sỡ. Vì kích cỡ nhỏ, khi mặc lên, phần lớn áo phông trở thành dạng crop top, giúp khoe khéo vòng eo nhỏ và bờ vai mảnh mai của người mặc, theo Global Times.
Tuy nhiên, xu hướng thời trang này nhanh chóng trở thành mục tiêu chỉ trích sau khi nhiều người chia sẻ hình ảnh chiếc áo trẻ em ở cửa hàng Uniqlo bị kéo giãn, dính son và lớp trang điểm.
Trước đây, nhiều cô gái có vóc dáng nhỏ cũng chia sẻ thường mua đồ trẻ em từ các nhãn hàng như Uniqlo vì một số mẫu có kích cỡ cho trẻ cao đến 1,6 m, người nhỏ con hoàn toàn có thể mặc vừa. Hơn nữa, quần áo trẻ em luôn có mức giá rẻ hơn nhiều so với người lớn.
Tuy nhiên, ngoài số ít người thực sự mua để mặc và vì khó mua theo cỡ người lớn, phần lớn người theo trào lưu này có vóc dáng bình thường, chỉ vào cửa hàng thử đồ chụp ảnh, tham gia thử thách hoặc để ngầm chứng minh bản thân sở hữu cơ thể mảnh mai. Vì đồ nhỏ, người thử rất dễ để lại dấu vết hoặc kéo giãn, làm hỏng kiểu dáng trang phục.
Nhiều người lên án những cô gái hưởng ứng thử thách này là kém duyên, "thiếu đạo đức xã hội".
Số khác bày tỏ cảm thấy bị xúc phạm vì trào lưu này có thể khiến nhiều người tự ti về cơ thể hay cổ xúy phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình, cân nặng.
"Tôi là một cô gái mũm mĩm, cảm thấy bất lực và hơi ghét bản thân mỗi khi nhìn thấy những người có thể mặc vừa chiếc váy mini dáng chữ A, còn tôi chẳng thể ních vừa thứ gì khác ngoài chiếc áo hoodie rộng thùng thình", một cô gái giấu tên (17 tuổi) ở Thành Đô nói.
"Tôi ghét phong cách BM (viết tắt của Brandy Melville, cửa hàng quần áo phụ nữ nổi tiếng nhưng gây tranh cãi vì chỉ bán các cỡ nhỏ như XS và S).
Tôi thấy thật thô tục và thiếu tôn trọng phụ nữ khi cho rằng một bộ quần áo có thể kiểm soát việc phụ nữ cảm thấy hài lòng về bản thân hay không", Sophie Yang (27 tuổi), người Trung Quốc sống ở Paris, nói. Cô nhận định nỗi ám ảnh của nhiều cô gái về việc "trẻ, đẹp, gầy" thật nhảm nhí.
Do nhiều vị khách kém duyên, một số cửa hàng Uniqlo ở Trung Quốc bắt đầu không cho người trưởng thành thử đồ trẻ em, số khác chưa đưa ra quy định cụ thể.
"Để tránh những vết bẩn không mong muốn, chúng tôi sẽ đưa cho khách khẩu trang khi thử đồ", một nhân viên chi nhánh ở Bắc Kinh cho biết hướng giải quyết.