Mặt trận các cấp với công tác hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo
Đầu những ngày tháng 7/2020, chúng tôi có dịp về kiểm tra việc triển khai, thực hiện dự án giảm nghèo do Ủy ban Trung ương MTTQVN hỗ trợ năm 2018 trên địa bàn xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Được gặp gỡ, nói chuyện với người dân nơi đây mới thấy được sự hỗ trợ về kinh phí giúp người dân phát triển kinh tế là nguồn trợ giúp rất có ý nghĩa. Chính từ sự hỗ trợ này, người dân nghèo đã có điều kiện sản xuất và phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống, giúp nhau thoát nghèo.

Mô hình nuôi hươu từ nguồn hỗ trợ của Mặt trận. Ảnh: TL
Trong 5 năm (2016 - 2020), từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” UBMT các cấp đã phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho 427 hộ gia đình với tổng trị giá 2,570 tỉ đồng với các hình thức như: Hỗ trợ con giống, cây giống; hỗ trợ nguồn vốn để phát triển sản xuất. Từ nguồn hỗ trợ này, người dân đã xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế như trồng rau màu sạch, trồng cây ăn trái, nuôi bò, dê, heo, gà… góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá.
Tiêu biểu trong năm 2018, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất cho 24 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Gio Hải, Gio Linh xây dựng mô hình “Tổ hợp tác, thu mua, bảo quản chế biến thủy hải sản”, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng với thời gian vay là 3 năm (từ 2018 - 2020) với tổng trị giá mô hình 360 triệu đồng. Từ đầu năm 2019, mô hình “Tổ hợp tác thu mua, bảo quản, chế biến thủy hải sản” tại Thôn 4, xã Gio Hải đi vào hoạt động. Mô hình đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến thủy hải sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giải quyết những khó khăn trong chế biến và bảo quản hàng thủy hải sản, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường về hàng tươi sống đảm bảo chất lượng. Chuyển đổi cơ cấu dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương là hướng đi phù hợp nhằm phát triển kinh tế trên cả 3 vùng: Ven bờ, trung bờ và xa bờ, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian đi vào hoạt động, ước tính sản phẩm thu mua, bảo quản, chế biến được: Ghẹ 9,5 tấn; cá xuất khẩu 11 tấn; cá nục 25 tấn; sứa 40 tấn. Mô hình đã thu hút, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho 26 lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nhờ làm tốt mô hình, đến nay đã có 2 hộ thoát nghèo, 3 hộ từ cận nghèo vươn lên khá.
Cũng trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát và chọn xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ để tập trung hỗ trợ nguồn kinh phí không lãi suất cho người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho 17 hộ tiêu biểu ở 8 thôn. Qua hơn 2 năm triển khai, thực hiện, đối với 2.000 m2 vườn của 2 hộ đăng ký trồng rau sạch đã tích cực làm đất, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, thâm canh khoa học đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Rau phát triển mang lại thu nhập bình quân từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày, hiện nay đã đạt tiêu chuẩn và xã đã gắn biển công nhận vườn mẫu theo tiêu chí. Đối với 15 vườn còn lại đăng ký trồng cây ăn quả, cụ thể là bưởi da xanh 375 cây, trồng xen ổi lê Đài Loan 225 cây. Nhìn chung cây phát triển tốt, một số vườn ổi đã cho thu nhập khá cao, thu nhập bình quân khi đến vụ từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày.
Thông qua việc phát động thực hiện các phong trào, hỗ trợ, trợ giúp của Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, số hộ giàu và khá giả hằng năm tăng nhanh, số hộ nghèo giảm rõ rệt. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 8,08%.
Có thể thấy, từ nguồn hỗ trợ kinh phí của UBMT các cấp, nhiều mô hình phát triển kinh tế của người dân như: Trồng rau sạch, chế biến và nuôi trồng thủy sản, cải tạo vườn tạp, nuôi bò, gà… đã thu lại kết quả cao, giúp người dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.
Được hỏi về cảm nhận của mình khi được UBMT hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đức Trung ở Nam Hiếu 2, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nói: “Sự hỗ trợ nguồn vốn từ Mặt trận tỉnh đã giúp chúng tôi cải tạo vườn và trồng các giống cây ăn quả cho thu nhập khá cao. Đây chính là nguồn hỗ trợ có ý nghĩa để tôi và người nghèo trong xã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cùng nhau thoát nghèo”.
Tin tưởng rằng trong thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150333