Mặt trận phía Đông: 2.000 máy bay Liên Xô bị phá hủy trong 2 ngày đầu cuộc chiến
Mặt trận phía Đông trong Thế chiến 2 là một trong những mặt trận ác liệt và quy mô nhất, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều thú vị nhiều người có thể chưa biết.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin không tin quân Đức sẽ tấn công
Cuộc xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã là cuộc tấn công bất ngờ lớn nhất trong lịch sử quân sự, nhưng theo hầu hết các nguồn tin, nó không nên gây bất ngờ chút nào.
Trong khi Liên Xô và Đức Quốc xã đã ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau vào tháng 8/1939, nhiều người dự đoán rằng Adolf Hitler sẽ lên kế hoạch tấn công Liên Xô ngay khi thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, Stalin tỏ ra không quan tâm trước ý định thực sự của nhà lãnh đạo Đức Quốc xã. Trong những tháng trước khi quân Đức tiến công, ông đã gạt bỏ hàng tá báo cáo từ các điệp viên Liên Xô cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sắp xảy ra.
Stalin cũng chấp nhận câu chuyện che đậy của Hitler, rằng sự hiện diện đột ngột của quân đội Đức ở biên giới Liên Xô chỉ là một động thái nhằm giữ họ ngoài tầm tấn công của máy bay Anh. Thậm chí, có lúc ông còn ra lệnh cho quân đội không bắn hạ máy bay do thám của Đức mặc dù có nhiều cuộc xâm phạm "tình cờ" vào không phận Liên Xô.
Niềm tin của Stalin vào Đệ tam Quốc xã cuối cùng bị tiêu tan vào ngày 22/6/1941, khi quân Đức phát động Chiến dịch Barbarossa và xâm lược Liên Xô với hơn ba triệu quân trên toàn tuyến biên giới.
Tuy nhiên một số nguồn tin khác cũng lập luận rằng, ông Stalin không phải không biết về cuộc xâm lược sắp tới của quân Đức. Tuy nhiên ở thời điểm đó, quân đội Liên Xô chưa sẵn sàng chiến đấu và vị lãnh tụ Stalin tìm mọi cách để có thêm thời gian chuẩn bị cho đất nước trước cuộc chiến thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.
Hầu hết mọi người tin rằng Đức Quốc xã sẽ nhanh chóng đè bẹp Liên Xô
Chiến dịch Barbarossa của Đức Quốc xã dự định sẽ đánh bại Liên Xô chỉ trong ba đến sáu tháng. Nhưng trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, nhiều người nghĩ rằng sự sụp đổ của Liên Xô thậm chí có thể đến sớm hơn.
Quân đội Đức đã giết hoặc làm bị thương 150.000 quân Liên Xô trong tuần đầu tiên của chiến dịch, trong khi Luftwaffe, lực lượng không quân của Đức Quốc xã đã phá hủy hơn 2.000 máy bay Liên Xô chỉ trong hai ngày đầu tiên.
Khi xe tăng và binh lính Đức tràn qua lãnh thổ Liên Xô trong một cuộc tấn công ba với mũi nhọn thọc sâu, hầu hết các nhà phân tích dự đoán Liên Xô sẽ thất bại chỉ trong vài tuần hoặc thậm chí chỉ vài ngày.
Bất chấp những thất bại ban đầu này, nguồn cung cấp quân đội dường như “vô tận” cùng với sức chiến đấu kiên cường của quân và dân Liên Xô cuối cùng đã chặn đứng bước tiến của quân Đức.
Những kẻ xâm lược cũng đã thành công trong việc đánh bật vài triệu binh sĩ Liên Xô ra khỏi cuộc chiến vào mùa thu 1941, nhưng họ cũng đã phải chịu thiệt hại với hơn 700.000 thương vong.
Sau một loạt các cuộc phản công dữ dội của Liên Xô, Đức Quốc xã buộc phải từ bỏ mọi hy vọng về một chiến thắng nhanh chóng và cuộc chiến đã phải kéo dài thêm ba năm rưỡi nữa mới đi đến ngày nước Đức bị đánh bại.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Liên Xô
Ngoài sức mạnh của Hồng quân, quân đội Đức còn bị hao mòn bởi “đội quân mùa đông” – biệt danh dùng để miêu tả băng giá chết chóc ở Liên Xô. Kế hoạch xâm lược của Adolf Hitler kêu gọi quân Đức chinh phục Liên Xô trước khi cái lạnh đáng sợ của mùa đông nước Nga có thể ập đến, nhưng vấn đề về nguồn cung cấp hậu cần và tinh thần kháng cự kiên cường của binh sĩ Liên Xô được kết hợp lại, ngăn chặn bước tiến của quân Đức ở ngưỡng cửa Moskva vào cuối năm 1941.
Không có đủ đồ giữ nhiệt, những binh lính lục quân Đức - Wehrmacht phải dùng đến giấy báo và rơm để giữ ấm trước cái lạnh dưới 0 độ C. Họ sớm phải đối mặt với tình trạng tê cóng và hoại tử. Khoảng 100.000 trường hợp đã được báo cáo vào cuối năm 1941 trong tình trạng phải cắt bỏ các chi của cơ thể.
Cái lạnh cũng tàn phá máy móc hạng nặng của Đức quốc xã. Xe tăng và xe jeep không chịu khởi động, súng và pháo thường bị đơ và không bắn được. Binh lính Liên Xô đã quen với cái lạnh hơn, họ sử dụng súng trường, ván trượt được ngụy trang và thiết kế đặc biệt để tiếp tục chiến đấu ngay cả trong một số điều kiện khắc nghiệt nhất.
Mùa đông ở khu vực Liên Xô thực sự là điều khủng khiếp đối với quân đội Đức trong phần còn lại của cuộc chiến, nhưng những tháng ấm hơn cũng chỉ tốt hơn về mặt lý thuyết. Mùa hè ở Liên Xô thường nóng như thiêu như đốt, còn mùa xuân và mùa thu kéo theo một mùa mưa “kinh hoàng” được gọi là “rasputitsa”, khiến các con đường ngập bùn nước và thường không thể đi lại được.
Mưa và bùn lầy cũng là những kẻ thù khiến hàng đoàn xe và phương tiện chiến đấu của Đức Quốc xã phải chật vật di chuyển từng xen-ti-met trên chiến trường. Chính điều này cũng đã góp phần cản bước tiến của quân Đức trong hành trình hướng về Moskva.
Phụ nữ Liên Xô chiến đấu ở tiền tuyến
Gần một triệu phụ nữ Liên Xô đã cầm vũ khí và phục vụ trên tuyến đầu trong Thế chiến 2 với nhiều vai trò khác nhau như xạ thủ phòng không, lính bắn tỉa, du kích và thậm chí cả phi công chiến đấu.
Không chỉ đơn giản là cung cấp quân số cho các đơn vị Hồng quân đang chịu tổn thất nặng nề, các nữ quân nhân Xô viết thực sự là một trong những chiến binh dũng mãnh nhất ở Mặt trận phía Đông.
Tiêu biểu với hai phi công xuất sắc Lydia Litvyak và Yekaterina Budanova, họ đã bắn rơi rất nhiều máy bay Đức, hay tay súng thiện xạ Lyudmila Pavlichenko đã tự tay tiêu diệt hơn 300 quân địch và còn rất nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm khác.
Theo thống kê, đã có gần 200.000 phụ nữ Liên Xô được tặng thưởng các danh hiệu và 85 người được nhận được danh hiệu cao quý nhất, Anh hùng Liên Xô.