Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định và các quy định của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác phối hợp giám sát, thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, từ đó đã hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả tích cực. Nâng cao hiệu lực pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hầu hết cán bộ, công chức và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, tình hình tham nhũng, tiêu cực từng bước được đẩy lùi.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác phối hợp giám sát. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực, đã nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc phát hiện tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Việc xây dựng, tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện các văn bản của cấp trên, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, hiệu quả. Công tác phối hợp trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Ý thức đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân ngày càng cao.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng các ngành, các cấp được quan tâm, tăng cường; các hành vi tham nhũng, tiêu cực được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, đúng pháp luật. Trách nhiệm của các cấp, các ngành ngày càng nâng cao, xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được đưa vào chương trình công tác hàng tháng; công tác phối hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa các ngành, các cấp và hệ thống chính trị ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn; hoạt động tích cực của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng làm hạn chế thấp nhất hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn; ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Nhân dân ngày càng được nâng lên, đã xem công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị, từng bước đã trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội.

Kết quả thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quang cảnh một Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đồng Tháp (Ảnh minh họa).

Quang cảnh một Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đồng Tháp (Ảnh minh họa).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, hàng năm Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo Ban Thường trực triển khai đến cán bộ, đảng viên Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Nhân dân thực hiện.

Bên cạnh đó, thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo; vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; ứng dụng tốt khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, không để xảy ra vi phạm tham nhũng, tiêu cực.

Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng về phòng, chống tham nhũng về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giải pháp của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến các văn bản: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: phối hợp với các Ngành tư pháp, Ban Tuyên giáo cùng cấp phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền trực tiếp pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống Mặt trận và Nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng việc vận động Nhân dân tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Tham gia phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực phòng, chống tham nũng, tiêu cực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch giám sát hàng năm theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Quy định 217 của Bộ Chính trị khóa XI; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, tăng cường các hoạt động giám sát đột xuất để góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Đổi mới phương thức giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc được dư luận xã hội và người dân ở địa bàn dân cư quan tâm, bức xúc1.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng nội dung cụ thể:

(1) Giám sát việc chấp hành pháp luật trong lập, quản lý quy hoạch xây dựng từ năm 2020 đến nay;

(2) Giám sát công tác quản lý, sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ và việc nâng cao độ công trình đường giao thông khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên địa bàn tỉnh;

(3) Giám sát việc tiếp công dân và một số vụ việc khiếu nại kéo dài;

(4) Giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình;

(5) Giám sát vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện Kết luận 243-KL/TU ngày 1/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh;

(6) Giám sát về việc khắc phục những nội dung có tỷ lệ chưa hài lòng của người dân còn cao đối với kết quả xây dựng huyện Nông thôn mới; Giám sát cải cách hành chính, nhất là việc giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp; tham gia tổ chức và giám sát hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc công khai các kết luận thanh tra.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khóm, ấp phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật và giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và việc sách nhiễu với Nhân dân.

Từ năm 2013 đến nay, hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được coi là một kênh chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân2. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực sự là “tai, mắt” của Nhân dân, là những hình thức hữu hiệu để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở.

Phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, phản biện xã hội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả trong việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công;… nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung tuyên truyền cụ thể hóa, phát huy vai trò giám sát của người dân, nhất là trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, những dấu hiệu bất minh trong thu nhập, tài sản, nhà đất... Tham gia xây dựng và góp ý, phản biện xã hội đối với các dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi)3; hướng dẫn và tổ chức để toàn hệ thống Mặt trận và Nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nghiêm túc việc góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm của các cơ quan nhà nước cùng cấp; đưa các chuẩn mực về nếp sống cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên sinh sống trên địa bàn vào quy ước khóm, ấp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, phối hợp với các cơ quan báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò các cơ quan báo chí là những nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thông qua các tin, bài, phóng sự, kịp thời phản ánh về các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, phản ánh tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết và đồng lòng của Nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan báo chí, tham gia tốt giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Công tác phối hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, gồm:

(1) Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu. Việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu được quan tâm thực hiện khá thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hai cơ quan. Ban Nội chính đã phối hợp với Văn phòng cung cấp kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các tài liệu, báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề do Ban Thường vụ, Thường trực ký ban hành có liên quan đến công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng đến Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, hai cơ quan cũng thường xuyên gửi các báo cáo định kỳ và các báo cáo chuyên đề, đột xuất có liên quan;

(2) Trao đổi kinh nghiệm, góp ý văn bản và dự các hội nghị do hai cơ quan tổ chức. Nhiều hội nghị, cuộc họp do Ban Nội chính chủ trì, hoặc tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều cử đại diện tham gia và ngược lại. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tham gia góp ý kiến đối với trên 15 dự thảo văn bản, báo cáo có liên quan đến nhiệm vụ phối hợp của hai cơ quan. Ngoài ra, hai cơ quan còn cử cán bộ tham gia vào một số hoạt động của nhau như: tham gia Hội đồng Tư vấn pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; tham gia Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp về xây dựng 2 Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở” và “Nâng cao chất lượng giải quyết án ở cấp sơ thẩm”; tham gia các hoạt động có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026;

(3) Phối hợp thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Ban Nội chính đã mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia 11 đoàn kiểm tra, giám sát do Ban Nội chính chủ trì, trong đó có 5 đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 6 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính. Nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về tình hình an ninh, trật tự; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ký kết các quy chế phối hợp: Phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Thường trực Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Thanh tra - Sở Tư Pháp - Hội Luật gia - Đoàn Luật sư về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trên các lĩnh vực công tác: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật; giám sát hoạt động tư pháp; phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiểm sát hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân4.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền nhận thức các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được thường xuyên, liên tục; còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân chưa tích cực đấu tranh, nể nang, ngại va chạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị và địa phương; việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một vài địa phương chưa đi vào chiều sâu.

Còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xem công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của cấp trên, của ngành chức năng, từ đó việc tuân thủ các quy định chung, chuyên ngành, lĩnh vực còn hạn chế.

Một số giải pháp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vận động Nhân dân chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các hoạt động giám sát đột xuất để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, xem xét văn bản đã có hiệu lực pháp luật (giám sát văn bản) liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính để góp phần khắc phục tình trạng tham nhũng vặt.

Thứ ba, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh phát huy vai trò các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy những nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thông qua các tin, bài, phóng sự; nâng cao chất lượng, tác dụng của giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; theo dõi, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Kiến nghị thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chú thích:

1. Từ ngày 1/1/ 2013 đến 30/6/2022, đã tổ chức 432 cuộc giám sát. Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 26 cuộc giám sát.

2. Trong 10 năm qua đã tham gia giám sát trên 6.100 cuộc với các nội dung gồm: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thi công các công trình có vốn Nhà nước và các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, việc chi trả các chế độ chính sách người có công, việc thu, chi quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân… Qua đó, phát hiện trên 300 vụ vi phạm, kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo luật định.

3. Tổ chức được 250 cuộc hội nghị góp ý, phản biện xã hội, có 5.101 người dự.

4. Từ năm 2013 đến nay: Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức 24 đoàn; tham gia Ban Nội chính Tỉnh ủy: 8 cuộc; tham gia Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh: 30 cuộc; tham gia Viện kiểm sát: 18 cuộc.

TRẦN VĂN THẮNG - Phó Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật - Tuyên giáo,

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/phong-chong-tham-nhung-lang-phi/mat-tran-to-quoc-tinh-dong-thap-tham-gia-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-58219.html