Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu

Thời gian qua, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình với cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu đối với công tác Mặt trận.

Gia Lai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46% với 30,37% là người dân tộc Jrai; 12,51% là người dân tộc Bahnar và 3,35% là người các dân tộc khác.

Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Quyết định số 12/2018/QĐ -TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các ban ngành liên quan rà soát, bổ sung người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để đảm bảo số lượng và phát huy hiệu quả công tác.

Hiện nay, toàn tỉnh có 955 người uy tín tiêu biểu. Thực hiện chủ trương của tỉnh ủy: cấp tỉnh 2 năm tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu một lần, cấp huyện và cấp xã mỗi năm tổ chức một lần. Trong giai đoạn 2020 - 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức 37 Hội nghị gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 2.500 lượt đại biểu người có uy tín tiêu biểu tham dự và đã biểu dương khen thưởng 1.275 vị có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân các ngày lễ, tết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 190 đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các vị già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện chế độ chính sách với người có uy tín, như: cung cấp tài liệu, báo chí; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Gia Lai, tháng 7/2023. ẢNH: TIẾN ĐẠT

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Gia Lai, tháng 7/2023. ẢNH: TIẾN ĐẠT

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, người có uy tín tiểu biểu của tỉnh đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông qua nhiều hình thức, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức trên 21 nghìn buổi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương với trên 1.200.000 lượt người tham dự.

Đồng thời, người uy tín đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giải thích các vấn đề phát sinh trong nội bộ hộ gia đình, cộng đồng thôn xóm; thường xuyên vận động Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phần tử phản động chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.

Hàng năm, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc, Ngày hội Biên phòng toàn dân, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc..., người có uy tín đã phát huy vai trò của mình vận động Nhân dân đóng góp xây dựng khu dân cư an toàn, văn minh, đoàn kết, xanh - sạch - đẹp, tạo sự đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc, các tôn giáo, tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện các chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo từ thiện, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, như: cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo” và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn biến phức tạp, người có uy tín đã tích cực tham gia các tổ, nhóm tự quản ở khu dân cư, tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tuyên truyền đến người dân, các hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; nắm bắt tình hình trong khu dân cư trong thời gian giãn cách xã hội, kịp thời phản ảnh tình hình đời sống khu dân cư với chính quyền xã; phối hợp chính quyền, ngành y tế vận động, lập danh sách người dân trong làng để thực hiện công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân quyên góp được nhiều tấn hàng (gồm: gạo, rau, củ, quả các loại...) để kịp thời hỗ trợ người dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và người dân trong tỉnh bị nhiễm Covid-19, điều trị tại các khu cách ly trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực văn hóa, người có uy tín luôn là tấm gương đi đầu, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở con cháu, cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và phong tục truyền thống, tín ngưỡng tốt đẹp: ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định pháp luật, duy trì các lễ hội truyền thống, giữ gìn các sản phẩm văn hóa truyền thống dân tộc, như: tiếng nói, chữ viết, các loại nhạc cụ, điệu múa, văn hóa cồng chiêng.

Đồng thời, người uy tín trong tỉnh chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Những năm qua, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong lao động sản xuất, người có uy tín luôn là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, đồng thời tích cực phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, vận động Nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm ”Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Người có uy tín đã tích cực phối hợp với các ban ngành ở cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp, hỗ trợ được trên 706.770 triệu đồng, vận động Nhân dân hiến 132.963 m2 đất và đóng góp 47.338 ngày công lao động làm nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, đường giao thông nông thôn, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 125 làng đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Pleiku, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới có công đóng góp không nhỏ của người có uy tín.

Người uy tín còn vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động, gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Hai năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, người có uy tín luôn tích cực phối hợp với Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở thôn, làng triển khai thực hiện cuộc vận động, lồng ghép tuyên truyền, vận động được 4.443 buổi với 337.553 lượt người tham gia, từng bước thay đổi theo 10 nội dung Sổ tay thực hiện cuộc vận động.

Nhiều người có uy tín đã tiên phong làm trước và hướng dẫn đồng bào ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tăng thu nhập. Thông qua thực hiện cuộc vận động, lồng ghép với các chương trình, dự án, các phong trào do chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, đến nay đã giúp đỡ được trên 20.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng buôn làng bình yên, đảm bảo an ninh trật tự là đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, bà con dân làng được ấm no, hạnh phúc, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn tích cực gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con trong làng nêu cao tinh thần bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thời gian qua, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình với cộng đồng, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; tham gia đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và công tác giữ gìn an ninh trật tự tại thôn, làng được bà con nhân dân yêu quý, kính trọng.

Lời nói, việc làm của người uy tín tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự tác động tích cực trong các tầng lớp nhân dân, trở thành “điểm tựa tinh thần của cộng đồng”, địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tình hình an ninh trật tự, nhất là trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Để phát huy hơn nữa vai trò đối với cộng đồng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thường xuyên tuyên truyền học tập và thực hiện theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946), tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; quy ước, hương ước của khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân trong cộng đồng và kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng; tích cực tham gia đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương về những vấn đề liên quan đến đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân; phối hợp tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Bốn là, để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”; Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Ban Dân tộc tỉnh về công tác dân tộc (giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh.

Vũ Đăng Minh - Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/mat-tran-to-quoc-tinh-gia-lai-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-tieu-bieu-54554.html