Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 19/2, Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tại Điều 6 về Phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác có liên quan. Phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tham vấn Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của luật này.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội, tham vấn chính sách, góp ý chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật (Ảnh: Quang Vinh)
Điều 8 về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định rằng: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của luật này hoặc luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.
Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này.
Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Văn bản bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng tải trên công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Cùng với đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc một trong các trường hợp sau: Thay đổi cơ bản chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung về nội dung quá một phần hai tổng số điều.
Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành khác với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Trường hợp có quy định khác nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.