Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hơn 6.500 hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp
Chiều 20/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị.
Hội nghị diễn ra dưới sự điều hành của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo các báo cáo tại Hội nghị, đến thời điểm hiện tại, Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố và Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hơn 6.500 hội nghị thảo luận, lấy ý kiến đoàn viên, hội viên, thành viên của mỗi tổ chức vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đồng thời tăng cường động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến qua ứng dụng VneID.
Kết quả tổng hợp cho thấy, đã có hơn 538 nghìn ý kiến đóng góp được ghi nhận, đa số bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gắn với việc tổ chức, hoạt động của Mặt trận cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Cụ thể hơn, các ý kiến cho rằng, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp đã khẳng định rõ hơn vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tại khoản 2 vì mang tính chất hành chính, trong khi 5 tổ chức chính trị-xã hội mang tính liên hiệp tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có chức năng lãnh đạo nên các tổ chức này không thể “trực thuộc” hoặc “thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Do đó, đề nghị bỏ cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vì cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đã thể hiện nội dung này, hoặc thay bằng quy định các tổ chức này là “thành viên cốt lõi” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đóng góp ý kiến.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương, phần lớn ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ đơn vị hành chính 3 cấp trung ương, tỉnh, xã, phường tương tự Điều 110 Hiến pháp năm 2013, không nên sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh"; cần tiếp tục quy định "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" như khoản 3 Điều 110 Hiến pháp hiện hành để thể hiện sự dân chủ, quyền lợi chính đáng của người dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, bởi đây là những đối tượng cần được chất vấn để bảo đảm quyền giám sát của nhân dân.
Tại Hội nghị, đại biểu đã tiếp tục tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp.