Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013'.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng thành viên về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc đều đã xây dựng và tổ chức thực hiện các Kế hoạch sơ kết việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong tổ chức mình và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đến tận cơ sở. Đến nay, đã có 59/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và 8/46 tổ chức thành viên tiến hành sơ kết và có báo cáo gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thể hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc trước Quốc hội và HĐND các cấp đã thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Mặt trận Tổ quốc bằng các kiến nghị cụ thể đến Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, tại một số đơn vị, địa bàn, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở vẫn chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng dân cư, chưa thể hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc, xử lý các kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời. Một số Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã chưa xây dựng được chương trình giám sát của mình mà chủ yếu tham gia giám sát theo chương trình của HĐND. Công tác phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính quyền còn tập trung nhiều ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, chất lượng, hiệu quả ở một số địa phương, cơ sở chưa đồng đều, còn lúng túng.
Tham luận tại Hội thảo, đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm rõ hơn kết quả thực hiện và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; quá trình tập trung nguồn lực để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ đại diện cho người lao động, góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Theo đó, những năm qua, các cấp công đoàn đã thực hiện đa dạng hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động để thích ứng với tình hình quan hệ lao động và hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện, bổ sung. Giai đoạn 2013 – 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có 521 văn bản tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người lao động. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 60%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.