Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc vận dụng chiến lược đoàn kết qua các kỳ Đại hội
Đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Yêu nước và đoàn kết là sản phẩm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc là tinh thần cố kết cộng đồng, là 'Tình đồng chí, nghĩa đồng bào'.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, trong suốt quá trình lãnh đạo, đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, coi trọng việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại, nên đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là lịch sử ba cao trào cách mạng: Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); Cuộc vận động dân chủ (1936 - 1939); Cao trào cứu nước (1940 - 1945) đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, lần đầu tiên thành công ở một nước thuộc địa, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất, bước phát triển nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta.
Đó là lịch sử một dân tộc nhỏ, lần đầu tiên đánh thắng đế quốc hùng mạnh ở Điện Biên Phủ. Thắng lợi đó đã giáng một đòn quyết định vào chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu quá trình sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
Đó là thắng lợi của cuộc cách mạng ruộng đất, xóa bỏ quyền phong kiến chiếm hữu ruộng đất, đánh đổ giai cấp địa chủ đã thống trị hàng ngàn năm ở nước ta, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Đó là lịch sử một nước, đất không rộng, người không đông, đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối để “Bắc - Nam sum họp một nhà” những chiến công oanh liệt mà Nhân dân ta giành được trong gần một thế kỷ qua là sự kết tinh và phát triển đến cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, những phẩm chất cao quý nhất, vĩ đại nhất, đáng tự hào nhất của dân tộc ta.
Những chiến công đó càng khẳng định điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) họp tại Pác Bó (Cao Bằng): “Sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết thì nước ta độc lập, tự do, trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1.
Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam, sau ngày thống nhất về mặt Nhà nước, Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 - 4/2/1977, Đại hội nhấn mạnh:
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính sách Đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước tán thành chủ nghĩa xã hội ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”2.
Nếu Đại hội lần thứ nhất năm 1977 là Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì Đại hội lần thứ hai, trên cơ sở kiểm điểm các hoạt động của Mặt trận trong 6 năm qua và quán triệt Chỉ thị số 17 CT/TW của Ban Bí thư ngày 18/4/1983 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” là Đại hội tăng cường tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động để Mặt trận thực sự “là người đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân, là sợi dây nối liền Đảng với quần chúng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước xã hội chủ nghĩa”.
Điều lệ Mặt trận quy định:
“Thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân, bao gồm: Công nhân, nông dân, trí thức, những người lao động khác, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ, những người Hoa sống trên đất Việt Nam và đồng bào ta ở nước ngoài không phân biệt già, trẻ, gái trai, không phân biệt thành phần xã hội, không phân biệt quá khứ như thế nào, miễn là thực tâm tán thành đường lối chính trị, chương trình hành động và Điều lệ của Mặt trận, cùng nhau phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”3.
Đại hội toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tiến hành sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đã đánh giá một cách khách quan tình hình mọi mặt của đất nước và quyết định đổi mới sâu sắc và toàn diện.
Quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 17 CT/TW của Ban Bí thứ Trung ương Đảng, tổng kết chương trình hành động mà Đại hội II đã đề ra, Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “Đại hội tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận, đưa công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị”.
Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là khối liên minh rộng rãi và lâu bền của toàn thể nhân dân ta đã thành người chủ đất nước. Mặt trận chủ trương tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, những người lao động khác, tư sản dân tộc và tiểu chủ; đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo và đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ và ý thức hệ, miễn là tán thành chương trình hành động và Điều lệ của Mặt trận cùng nhau phấn đấu vì độc lập, tự do và sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, ngày 17/11/1993 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07/NQ/TW “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”.
Trong lịch sử Mặt trận, đây là bản nghị quyết chuyên đề thứ hai của Bộ Chính trị về công tác Mặt trận (bản nghị quyết lần thứ nhất ra đời ngày 9/5/1962).
Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc đã được tiến hành trong hai ngày 17/8 và 18/8/1994. Đây là Đại hội quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất, Đại hội đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đại hội khẳng định:
“Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh to lớn, là động lực quan trọng, bảo đảm sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, sự kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi người, mỗi gia đình với lợi ích toàn xã hội, của Tổ quốc là lẽ sống của người Việt Nam”4.
Đại hội chỉ rõ: Trong xã hội ta hiện nay, các giai tầng khác nhau có lợi ích chung và thống nhất, nhưng cũng có các lợi ích riêng khác nhau và có mẫu thuẫn nhất định. Các lực lượng chống đối có thể lợi dụng mâu thuẫn này để thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết của nhân dân ta. Do vậy, hơn lúc nào hết, phải đoàn kết đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân ở tầm cao mới và chiều sâu mới, tạo động lực mạnh mẽ trong sự phát triển của dân tộc theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ của Đảng.
Đại hội xác định:
“Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài, vì mục tiêu chung nêu trên”.
Nhằm góp phần thực hiện “Đại đoàn kết toàn dân ở tầm cao mới và chiều sâu mới”, Đại hội trịnh trọng công bố trước đồng bào cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài chương trình Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gồm 12 điểm thể hiện quyết tâm của cả dân tộc kiên trì đẩy mạnh công cuộc đổi mới với mục tiêu: Giữ vững độc lập, thống nhất, phấn đấu đưa đất nước sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 26 đến ngày 28/8/1999 tại Hà Nội với chủ đề: “Phát huy tinh thần yêu nước; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Báo cáo Đại hội nhận định:
Từ Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc đến nay nhân dân ta đã ra sức phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng; đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện, xã hội ổn định; quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng; uy tín của nước ta trên thế giới được nâng cao.
Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương… không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra trong các ngày 21 - 23/9/2004 với chủ đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh5.
Đại hội VI chủ trương:
“Đoàn kết rộng rãi, đoàn kết mọi thành viên trong xã hội có thể đoàn kết được, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết chân thành trên cơ sở mục tiêu chung là: Giữ vững độc lập, thống nhất vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực chủ yếu để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) với đoạn sau: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới”.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII được tiến hành trong các ngày 28, 29/9/2009 với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và Phát triển”.
Đại hội diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 80 Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đại hội dành nhiều thời gian để xem xét, đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội nhận định:
Cùng với kết quả thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường trong điều kiện mới: cơ cấu xã hội ở nước ta tiếp tục có những biến đổi quan trọng. Trong xã hội có nhiều thành phần kinh tế, nhiều giai cấp, tầng lớp, hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất khác nhau, song về cơ bản đang thay đổi theo chiều hướng tích cực; mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp là mối quan hệ hợp tác, chung sức chung lòng vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Mặc dù cuộc sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều khó khăn, song tính chất cố kết cộng đồng, tinh thần hợp tác và sự đồng thuận xã hội đang là xu hướng phát triển. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ngày càng được các tầng lớp nhân dân tin tưởng và hăng hái thực hiện.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội đặt mục tiêu:
“Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy dân chủ tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…”.
Về Điều lệ có bổ sung từ “chính kiến” vào cụm từ “không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến miễn là tán thành công cuộc đổi mới…”.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII diễn ra trong các ngày 26, 27/9/2014 với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, báo cáo khẳng định:
“Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta, được lưu truyền qua các thế hệ. Tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ các thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Đại hội đề ra mục tiêu:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc của nhân dân”.
Điều lệ của Mặt trận được bổ sung cụm từ “thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận”, “giám sát và phản biện xã hội” vào phần nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần IX diễn ra trong các ngày 19, 20/9/2019.
Nhận định về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, báo cáo nêu rõ: “Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ở trong nước còn không ít khó khăn, thách thức, tác động đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, song khối đại đoàn kết toàn dân luôn luôn được giữ vững; tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ; mối quan hệ gắn bó mật thiết và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội đề ra mục tiêu:
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội; thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Qua các kỳ Đại hội với hơn 35 năm kiên trì, phấn đấu, thực hiện đường lối đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc “tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước7.
Đồng thời, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhận định:
“Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều”8.
Nhận định trên của Đại hội XIII của Đảng cùng Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 là những chỉ đạo quan trọng để Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành Đại hội.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 3, tr. 256.
2. Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tập 3, tr. 79.
3. Văn kiện Đại hội II - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tr. 63, 64.
4. Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, quyển III, tr. 365.
5. Lần đầu tiên cụm từ “toàn dân tộc” được sử dụng trong Văn kiện của Đảng và Mặt trận.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 89.
7,8 Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, tr. 9, 17.